Sáng 9-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về nội dung báo cáo nêu trên.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết theo đánh giá của các đoàn ĐBQH được Ban Dân nguyện tổng hợp, về cơ bản các bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.
Tuy vậy, vẫn còn những trả lời thiếu thuyết phục, chưa làm cử tri hài lòng. Ví dụ, cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh… đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Trả lời cử tri các tỉnh trên, Bộ GD-ĐT chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về trách nhiệm của mình, bộ chỉ nêu "Ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của bộ trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
"Như vậy, Bộ GD-ĐT chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của bộ trong công tác quản lý nhà nước khi để xảy ra việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, như trách nhiệm của bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi,.. chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra" - báo cáo của Ban Dân nguyện đề cập.
Vẫn theo báo cáo này, "công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm".
Bộ cũng "chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường đại học xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này.
Việc xử lý các cá nhân, tập thể của bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri".
Cũng liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết:
"Đối với thí sinh, phụ huynh có liên quan đến gian lận thì xử lý như thế nào? Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri nhiều nơi thì cử tri đều đặt vấn đề về chuyện này. Vì vậy đề nghị tới đây cần trả lời rõ".
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội xem xét trong số các vấn đề bức xúc nổi cộm, có thể ra nghị quyết cho thực hiện ngay, không cần đợi sửa đổi, bổ sung các luật.
"Ra nghị quyết kịp thời là để đẩy nhanh việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, đảm bảo an toàn xã hội. Ví dụ như tình trạng tai nạn giao thông bức xúc, người dân đề nghị phải sửa đổi quy định, có chế tài với lái xe sử dụng ma túy, lái xe uống rượu gây tai nạn thì phải bị tước bằng lái vĩnh viễn".