Hoàn Cầu: Các thị trường như Việt Nam vẫn đang học tập Trung Quốc
Theo Hoàn Cầu, gần như không có khả năng Bắc Kinh đưa ra những thỏa hiệp mang tính chiến lược chỉ vì Mỹ leo thang trừng phạt bằng thuế quan.
Kể từ 10/5 vừa qua, 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% so với mức 10% trước đó, đồng thời chính quyền tổng thống Donald Trump bắt đầu xúc tiến lộ trình để áp thuế với 300 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc khác. Trong khi đó, từ ngày 1/6 tới Trung Quốc cũng sẽ áp thuế 25% đối với 60 tỉ USD hàng Mỹ nhập khẩu.
Ông Trump viết trên Twitter hôm 13/5, đánh giá "Người tiêu dùng Mỹ không có lý do gì để chi trả cho những khoản thuế, vốn có hiệu lực đối với Trung Quốc ngày hôm nay. Điều này đã được chứng minh gần đây khi Mỹ chỉ phải chịu 4 điểm, còn Trung Quốc phải chịu 21 điểm bởi Trung Quốc trợ giá cho sản phẩm ở một mức độ lớn. Cũng có thể tránh các khoản Thuế một cách hoàn toàn nếu các bạn mua hàng từ một nước không bị đánh thuế hoặc mua sản phẩm nội địa Mỹ (cách tốt nhất). Loại này thì thuế bằng 0. Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời khỏi Trung Quốc để tới Việt Nam và những nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận tới mức như vậy!"
Trong khi nhiều người tập trung vào chiến thuật tăng thuế của Mỹ, Hoàn Cầu cho rằng giới quan sát đã bỏ qua logic kinh tế đằng sau thái độ bình tĩnh của Trung Quốc trước sức ép dồn dập từ ông Trump.
Nhiều báo cáo của truyền thông phương Tây thời gian qua dự báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam, bởi các công ty sẽ tìm cách tránh ảnh hưởng của thuế quan bằng việc di chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam. Theo Hoàn Cầu, quý I năm 2019 đã chứng kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ không thể thay thể "sao chép" được chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh mà Trung Quốc thiết lập được.
Kịch bản tương tự cũng diễn ra ở một số nước châu Á khác được xem là thị trường thay thế cho Mỹ. Báo Trung Quốc bình luận, những thị trường này không thể thế chân Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu, trừ khi các nước hội nhập và mở cửa thị trường đủ để tạo dựng một chuỗi công nghiệp thống nhất giữa các quốc gia.
Hoàn Cầu bình luận, Việt Nam và Ấn Độ đang cố gắng học tập mô hình của Trung Quốc để trở thành những công xưởng mới của thế giới, nhưng cho đến khi các nước này thành công thì người tiêu dùng Mỹ khó có thể tìm thấy những sản phẩm phù hợp với nhu cầu so với vô số hàng hóa được tạo ra ở Trung Quốc. Và do đó, thuế quan của Mỹ cuối cùng sẽ tác động đến chính người Mỹ.
CH Kwok, tổng giám đốc công ty công nghệ Dongguan LC Technology, đơn vị xuất khẩu hàng triệu USD sản phẩm đồ chơi và đồ điện sang Mỹ mỗi năm, tin rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó tìm thấy nguồn thay thế bởi "một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh [như ở Trung Quốc] không thể được gây dựng chỉ qua 1 đêm".
Ông Kwok nhấn mạnh rằng các thị trường như Việt Nam hay Bangladesh vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ chính Trung Quốc, mà giá thành của những hàng hóa này cũng sẽ leo thang nhanh chóng.
Trump hài lòng với thương chiến, Trung Quốc không thỏa hiệp
Trung Quốc tin rằng có thể ứng phó với tất cả kịch bản trong đàm phán thương mại và không cần phải thỏa hiệp. Dư luận Trung Quốc mong muốn có một thỏa thuận thương mại, nhưng không phải bằng mọi giá.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra, lý do quan trọng mà 11 vòng đàm phán đã qua chưa thể đi đến thỏa thuận là do Mỹ muốn buộc Bắc Kinh "khuất phục", và Washington không thể chấp nhận Bắc Kinh dẫn trước trong một số lĩnh vực.
Tổng thống Trump trả lời trong cuộc phỏng vấn mới đây với Fox News rằng ông "rất hạnh phúc" với chiến tranh thương mại.
"Chúng ta đang lấy được nhiều tỉ USD," ông nói khi được hỏi về cái kết cho xung đột thương mại. "Rõ ràng Trung Quốc đang không làm tốt như chúng ta."
Theo ông Trump, nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm này đang "không tốt".
"Nền kinh tế của chúng ta rất tuyệt. Họ (Trung Quốc) đang đuổi theo chúng ta và sẽ lớn hơn chúng ta. Nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống thì Trung Quốc sẽ có nền kinh tế lớn hơn Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của bà ấy. Nhưng nay thì chuyện đó còn xa."
Bình luận của Trump cho thấy ông không tỏ ra vội vàng nối lại đàm phán với Trung Quốc sau khi các vòng đối thoại vào tháng này ở Bắc Kinh và Washington đổ bể.
Ở một diễn biến khác, Bộ ngoại giao Trung Quốc chiều 20/5 phản bác thông tin do ông Trump đưa ra hôm 17, nói rằng giữa hai nước đã có một bản thỏa thuận đạt được nhưng bị phía Trung Quốc phá hoại.
"Tôi không biết phía Mỹ đề cập 'thỏa thuận' là gì. Mỹ có thể luôn có một bản thỏa thuận mà họ mơ tưởng, nhưng đó không phải là thỏa thuận mà Trung Quốc đồng ý," phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Theo ông Lục, vòng đàm phán thương mại thứ 11 tại Washington vừa qua đã không đi dến thỏa thuận, mà nguyên nhân là "Mỹ có ý đồ đòi hỏi lợi ích một cách không hợp lý thông qua biện pháp gây sức ép tối đa".
"Trong khi đe dọa bất thành, làm dấy lên nghi ngờ trong nước và biến động thị trường Mỹ, phía Mỹ lại tìm cách đùn đẩy trách nhiệm. Điều này cũng là vô ích," ông Lục Khảng nói. "Đàm phán thương mại Mỹ-Trung chỉ có thể đi theo con đường tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, thì mới có hy vọng đạt được thành công".