Đây là lần thứ hai trong tháng Năm, hải quân Mỹ điều động tàu chiến tới Biển Đông để thực hiện sứ mệnh FONOP nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược.
Giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ cho tăng cường triển khai biện pháp đáp trả nhằm chứng minh quốc gia này không chịu nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Washington vẫn sẽ duy trì hoạt động của các kênh liên lạc mở nhằm tránh căng thẳng leo thanh thành hành động quân sự.
Thiếu tá Tim Gorman thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã lên tiếng bảo vệ hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ trên Biển Đông sau khi tàu khu trục USS Preble tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough, khu vực mà cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.
Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển phía tây bắc của Philippines khoảng 230 km. Đây là nơi xảy ra vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2016. Sau đó, Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và xua đuổi ngư dân Philippines tới đánh bắt ở ngư trường truyền thống.
Theo Gorman, sứ mệnh này là nhằm “thách thức những tuyên bố chủ quyền hàng hải phi lý và duy trì hoạt động tiếp cận các vùng biển được luật pháp quốc tế quy định. Tất cả hoạt động của hải quân Mỹ đều tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như khẳng định Mỹ sẽ bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
“Chúng tôi tiến hành thường xuyên và theo kế hoạch hoạt động FONOP như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai. FONOP không nhằm vào bất cứ quốc gia nào và cũng không mang động cơ chính trị”, Tướng Gorman nhấn mạnh.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ đã 4 lần tiến hành tuần tra ở Biển Đông trong đó một lần ở quần đảo Trường Sa và ba lần ở quần đảo Hoàng Sa. Trong năm 2018, hải quân Mỹ thực hiện 7 sứ mệnh FONOP ở Biển Đông và năm 2016 là 6 lần, theo số liệu từ Lầu Năm Góc.
Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu miền Nam Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục được đặt trong tình trạng cảnh báo cao và sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Trên thực tế, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng hối thúc các quốc gia đồng minh hỗ trợ để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trong khu vực thông qua hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trên các thực thể mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, trong năm nay, Mỹ còn tiến hành các cuộc tập trận chung với Anh, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong 12 tháng qua, các tàu chiến của Anh và Pháp cũng đã lần lượt di chuyển qua eo biển Đài Loan và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Chuyên gia an ninh hàng hải ở Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, ông Collin Koh nhận định Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một “cuộc đấu trí” nhưng “sẽ không có chuyện đánh nhau do hai bên có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau”.
Còn theo ông Song Zhongping, chuyên gia phân tích quân sự ở Hong Kong, “việc Mỹ bình thường hóa FONOP nhằm khiêu khích Trung Quốc sẽ chưa dừng lại”.
“Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp đáp trả để cho Mỹ biết rằng, Bắc Kinh không bao giờ nhân nhượng trong các tuyên bố chủ quyền hàng hải”, ông Song nói.
Ngoài ra, theo ông Song, để làm được việc này, Trung Quốc cần tăng cường năng lực của lực lượng hải cảnh cùng năng lực chiến đấu xa bờ cho không quân và hải quân.
Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế Shi Yinhong cho biết thêm, chính quyền của Tổng thống Donald Trump “không ngừng tăng cường tần xuất cũng như số lượng FONOP của hải quân Mỹ trong hai năm qua”.
Song ông Shi nhấn mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là “những thách thức quân sự thật sự” mà Mỹ “khó lòng có thể thay đổi”.