Một nguồn thạo tin về quan hệ Trung Quốc - Malaysia cho biết, Bắc Kinh gợi ý thiết lập "cơ chế tham vấn song phương" để thảo luận về các tranh chấp với riêng Malaysia, một trong những bên có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, kể từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền năm ngoái.
Bắc Kinh vẫn nhắm mục tiêu đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với các nước ASEAN và hoàn thành dự thảo đầu tiên vào cuối năm nay, nhưng 2 bên vẫn còn nhiều tồn tại.
Trung Quốc đã có cơ chế làm việc cấp Thứ trưởng với Philippines, cuộc họp đầu tiên là vào năm 2017.
Manila đã giành được một chiến thắng đáng kể trong vụ kiện tại Tòa thường trực Liên Hợp quốc tại The Hague (Hà Lan) với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Tổng thống Duterte đã theo đuổi quan hệ thân thiết với Bắc Kinh nhằm đổi lại các khoản viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Tuy nhiên, Malaysia vẫn lưỡng lự, chưa đồng ý với cơ chế tương tự, nguồn tin ẩn danh mô tả đây không gì khác ngoài chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn.
"Trung Quốc vẫn ưu tiên đàm phán với từng nước riêng rẽ, để khi các nước nhóm họp, sẽ không cần thiết phải thảo luận mà chỉ cần thừa nhận những gì Bắc Kinh đặt trên bàn đàm phán", nguồn tin cho hay.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, nước này muốn giải quyết vấn đề đa phương hơn là chỉ với Bắc Kinh.
"Malaysia nhất quán với vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc", ông Saifuddin Abdullah nói.
"Trung Quốc thực ra đã đề nghị riêng từng nước trong nhóm ASEAN rằng liệu các nước có thảo luận song phương về vấn đề này. Nhưng Malaysia luôn luôn giữ quan điểm sẽ đàm phán thông qua cơ chế đa phương", Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khẳng định.
"Với những áp lực to lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần ổn định khu vực lân cận và ngăn chặn chỉ trích từ các nước láng giềng", ông Zhang nói.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Mahathir, Malaysia hiểu rất rõ tình hình và biết rõ rằng giờ đây họ có nhiều đòn bẩy hơn đối với Trung Quốc, và việc đàm phán song phương chỉ khiến họ bất lợi mà thôi.