"Điều khó khăn nhất là khái niệm dâm ô là gì thì Luật giải thích không rõ"
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ Luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô trong đó hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em.
Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 23/5, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, từ thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến hành vi dâm ô tại địa phương, điều khó khăn nhất là Luật không giải thích rõ khái niệm dâm ô.
Theo Đại tá Cầu, quy định của pháp luật để giải quyết tội phạm về dâm ô, đặc biệt, dâm ô trẻ em cần phải có khái niệm rõ ràng.
"Trẻ em không thể mô tả cụ thể như người lớn nên quá trình điều tra rất khó. Đồng thời, khi lấy lời khai trẻ em, phải có người giám hộ như cha, mẹ, cô giáo, hoặc tổ chức của phụ nữ, thanh niên. Điều tra viên cũng phải là người có kiến thức tâm sinh lý đối với trẻ em. Có thể nói quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn", ông Cầu nói.
Một khó khăn khác, theo ông Cầu là: hành vi dâm ô trẻ em thường xảy ra ít người biết, chứng cứ rất ít. Dù dư luận bức xúc, nhưng với cơ quan điều tra, không có chứng cứ không xử lý được.
Muốn áp dụng biện pháp ngăn chặn như bắt trong trường hợp khẩn cấp, khởi tố, bắt tạm giam, cũng cần phải có căn cứ, nếu không Viện Kiểm sát không thể phê chuẩn.
Vụ Nguyễn Hữu Linh: Có thể khởi tố ngay từ đầu
Về vụ nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái, ông Cầu cho biết, đã xem clip quay lại vụ việc liên quan đến ông này 2 lần.
"Nếu đúng là tôi xử lý thì khởi tố từ ngay từ thời điểm đó. Bởi hành vi của ông Linh diễn ra 3 lần với cháu bé trong thang máy chứ không phải một lần. Lần đầu ông Linh ôm, cháu bé chạy ra. Ông lại tiếp tục ôm, khi cháu bé chạy ra cửa ông vẫn tiếp tục ôm. Có thể nói hành vi của ông Linh rất rõ, nhưng xử lý thì tùy người đánh giá", ông Cầu nói.
Về thông tin dự thảo của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa ra nêu, sờ, bóp, hôn vào nhũng bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi có thể bị kết tội Dâm ô, Đại tá Cầu cho rằng, cần tùy từng trường hợp.
Ông lấy ví dụ như bố hôn con, anh chị em ruột ôm hôn nhau thì làm sao phân biệt, phải nói rõ nếu không rất khó.
"Cũng là hành vi đó nhưng với người ngoài khác, còn với những người cùng huyết thống, hoàn cảnh khác hoàn toàn", ông Cầu đặt vấn đề.
Về lý giải của ông Nguyễn Hữu Linh là chỉ "nựng" cháu bé, Đại tá Cầu cũng cho rằng phải xét theo hoàn cảnh cụ thể.
"Quay trở lại vụ án ông Nguyễn Hữu Linh, cần hiểu rõ, ông có phải quen cháu bé không? có thể trả lời ngay, ông Linh hoàn toàn không quen. Thứ hai trong hoàn cảnh chỉ có hai người làm sao có thể nựng được? Thứ ba, thân thể các cháu bé là bất khả xâm phạm, anh không có quan hệ sẽ không được đụng, thậm chí, sờ vào. Còn nói nựng như trường hợp ông Linh từng lý giải chỉ là ngụy biện", ông Cầu nhấn mạnh.
Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ làm rõ thế nào là hành vi dâm ô
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH cho biết, bà đã được nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số điều của Bộ Luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm.
Theo bà, có những điều đã được chi tiết hóa trong nội dung Nghị quyết như thế nào là giao cấu, thế nào là hành vi dâm ô, thế nào là hành vi quấy rối tình dục khác.
"Hiện nay trong các điều của Bộ Luật Hình sự cũng nêu mức xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục khác, tuy nhiên, chưa nêu hành vi khác này như thế nào. Ví dụ, vừa rồi vụ sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Thanh Xuân (Hà Nội) có thể gọi là hành vi quấy rối tình dục khác không và nếu hành vi này được quy định rõ thì có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, do hành vi chưa được quy định rõ nên chỉ được xử phạt ở mức 200.000 đồng. Dự thảo Nghị quyết có hướng dẫn chi tiết, cụ thể các hành vi này và khi đó, sẽ xử lý được hình sự đối với các vụ việc như trên, đáp ứng mong mỏi của cử tri", bà Hải nêu rõ.
Theo dự thảo, "dâm ô" quy định tại khoản 1 điều 146 là một trong các hành vi nhằm thoả mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.
Các hành vi này gồm:
Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm, như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi;
Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn… vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;
Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi, như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (như qua lớp quần áo…).
Dự thảo Nghị quyết cũng hướng dẫn "hành vi tình dục khác" là những hành vi quan hệ tình dục không phải hành vi giao cấu nhưng vẫn nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội.
Trước đó, tối 22/5, sau một tháng khởi tố, VKSND TP HCM cho biết, đơn vị VKSND quận 4 đã chuyển hồ sơ truy tố ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP Đà Nẵng) sang TAND quận 4 để điều tra xử lý về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".
Hiện cấp tòa này đã thụ lý hồ sơ và trình chánh án để phân công thẩm phán giải quyết vụ án. Ông Linh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm.
Cáo trạng xác định hành vi của Nguyễn Hữu Linh nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi.
Trước đó, ngày 21/4, Công an quận 4 (TP HCM) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS năm 2015.