Huân chương do Thủ tướng trao: Việt Nam trân trọng đóng góp của các nhà khoa học Nga

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới LB Nga rất phong phú sự kiện: những cuộc gặp, hội đàm, diễn từ và nhiều việc nữa.
Sputnik

Ngày 23 tháng 5, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Vladimir Mazyrin và bà Irina Samarina.

Huân chương do Thủ tướng trao: Việt Nam trân trọng đóng góp của các nhà khoa học Nga

Năm nay, cả hai nhà khoa học này đều kỷ niệm sinh nhật của tuổi “thất thập xưa nay hiếm”. Nhưng nhìn những con người phong độ tràn đầy năng lượng này, không ai có thể tin rằng ông Mazyrin và bà Samarina đã 70 tuổi. Mặc dù số phận của Vladimir Mazyrin và Irina Samarina không giống nhau, nhưng họ có điểm chung nhất là niềm đam mê khoa học không nhạt phai, sức làm việc đáng kinh ngạc, trình độ chuyên môn cao. Và tình yêu lớn dành cho Việt Nam.

Hành trang Nga-Việt mang theo vào Năm Giao lưu chéo

Vladimir Moiseevich Mazyrin lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc  Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga. Tốt nghiệp Viện Các nước Á-Phi tại ĐHTH Quốc gia Matxcơva, ông đi thực tập tại Việt Nam và ở Budapest, công tác tại cơ quan đại diện Thương mại, trong Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, rồi sau đó tại các Viện khác nhau của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Nga. Ông đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của Việt Nam sau chiến tranh, và khởi đầu chính sách Đổi mới. Vladimir Mazyrin là tác giả của hơn 90 bài báo khoa học, kể cả những bài công bố ở nước ngoài - từ Hà Nội đến New York. Phạm vi quan tâm của ông rất rộng. Ông đã viết sách và bài báo về sự sụp đổ của chế độ ở Nam Việt Nam và về nền văn hóa Việt Nam, về các vấn đề xã hội ở Việt Nam và việc áp dụng  phương pháp định lượng trong khoa học xã hội nhân văn. Nhưng lĩnh vực chính mà về kiến ​​thức ở Nga khó có ai sánh bằng Vladimir Mazirin và hầu như không  nhiều chuyên gia trên thế giới - là kinh tế Việt Nam. Hai cuốn  chuyên khảo của ông về cải cách quá độ ở Việt Nam và tổng kết 25 năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường có thể được gọi là “bách khoa toàn thư về điều kỳ diệu Việt Nam”.

Điểm chung giữa hoàng đế Lê Thánh Tông và Sa hoàng Nga Pyotr Đại đế là gì?

Vladimir Mazyrin là thành viên Ban biên tập những tạp chí uy tín và là chuyên gia của các tổ chức Nga và quốc tế. Ông đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc  Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga vào năm 2013 và đã có công biến Trung tâm này thành một ban tham mưu đích thực, tập hợp các nhà Việt Nam  học  của Nga và nhiều nước ngoài. Trung tâm cộng tác với các cơ sở khoa học hàng đầu của Việt Nam, cùng tổ chức hội nghị và hội thảo bàn tròn, xuất bản chuyên khảo và tuyển tập. Kể từ năm 2018, nhờ  sáng kiến ​​và tài tổ chức của ông Vladimir Mazyrin, Trung tâm xuất bản tạp chí điện tử “Nghiên cứu Việt Nam”, nahnh chóng giành được tầm uy tín sáng giá trong cộng đồng khoa học Nga và quốc tế. Đã  hơn một phần tư thế kỷ nay, Vladimir Mazyrin giảng dạy môn kinh tế và chính trị học tại ISAA MGU. Giáo sư Mazyrin là người thầy nghiêm khắc luôn đòi hỏi cao với sinh viên, nghiên cứu sinh. Nhưng các nhà khoa học trẻ hiểu rằng đằng sau sự khắt khe này là mong muốn nghiêm túc về đào tạo lớp kế cận gồm các chuyên gia trình độ cao.

Việc dạy tiếng Việt ở Nga được bắt đầu từ khi nào và ở đâu?

Irina Vladimirovna Samarina đang tham gia công việc hiếm có và đầy hấp dẫn: bà là người bảo tồn các thứ tiếng. Trên thế giới ngày nay có khoảng 6.700 ngôn ngữ, nhưng hơn một nửa trong số đó đang có nguy cơ biến mất. Theo nhận xét của các chuyên gia UNESCO, cứ hai tuần lễ lại có một thứ ngôn ngữ chấm dứt sự hiện hữu. Để sinh tồn trong thế giới đầy biến động này, các dân tộc ít người buộc phải học những ngôn ngữ phổ biến nhất và dần quên đi phương ngữ bản địa nguồn cội của họ. Khi một ngôn ngữ tiêu vong, chúng ta tổn thất một cách tư duy, lối quan sát và cảm nhận thế giới xung quanh. Vì vậy có thể nói không chỉ một ngôn ngữ tiêu vong, mà là mất mát cả một tiểu vũ trụ. Phải cứu lấy các ngôn ngữ: cần mô tả, ghi lại, lưu giữ trong các phương tiện hiện đại nhất. Đó cũng chính là những gì Irina Samarina đã và đang làm. Khởi đầu với năng khiếu toán học, bà đã tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Kết cấu và Ứng dụng thuộc Khoa Ngữ văn của ĐHTH Quốc gia Matxcơva. Ngay từ khi còn ở giảng đường đại học, Irina Samarina đã bắt đầu tham gia những chuyến điền dã ngôn ngữ  mô tả các dân tộc ít người của Cộng hòa Dagestan và đem lòng yêu thể  loại hoạt động chuyên môn này. Bà đã tham gia tạo lập bản dịch máy từ tiếng Nhật tại Viện Nghiên cứu phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, và sau đó cơ duyên xui khiến bà lọt vào đoàn thám hiểm thực địa nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc ít người tại Việt Nam. Và nó đã trở thành công việc yêu thích trong suốt cuộc đời của bà.  

Bộ Giáo dục Liên bang Nga có kế hoạch cử giáo viên dạy tiếng Nga đến Việt Nam

Irina tự học tiếng Việt. Thoạt đầu bà tham gia những cuộc điền dã của Viện Nghiên cứu phương Đông, sau đó là Viện Ngôn ngữ học, và từ năm 2008 bắt đầu đứng ra tự tổ chức các chuyến đi thực địa trong khuôn khổ dự án chung của Quỹ Nghiên cứu cơ bản Nga và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Mùa hè này sẽ đánh dấu chuyến điền dã thứ 18 của Irina Samarina tổ chức tại Việt Nam. Bà nghiên cứu ngôn ngữ không văn tự của các dân tộc ít người ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Kadai, Việt, và những thứ tiếng khác... Cùng với các đồng nghiệp Việt Nam, Irina đã sống ở các làng bản và thị trấn vùng cao trong nhiều tháng, hỏi chuyện người dân địa phương, điền các bảng mẫu, thu thập văn bản, lập bảng ngữ âm ngữ pháp và từ vựng - "chân dung ngôn ngữ". Các phương pháp đang được hoàn thiện, kỹ thuật ngày càng trở nên hiện đại hơn, nhưng điều chính yếu vẫn giữ nguyên: sự nhiệt tình, kiên nhẫn, khả năng làm việc và lòng say mê của một nhà khoa học đối với công việc của mình.  Ba cuốn chuyên khảo bề thế về ngôn ngữ Rục, Cờ Lao và Mày đã được xuất bản, hơn 60 bài báo đã được in.  Công trình mô tả ngôn ngữ của các dân tộc ít người ở Việt Nam, mà Irina Samarina tiến hành trong nhiều năm nay, bên cạnh giá trị khoa học to lớn, còn có giá trị thực tiễn quý báu.Trên cơ sở những mô tả công phu của Samarina, các đồng nghiệp Nga và Việt Nam của bà, đã tạo được bảng chữ cái cho một số ngôn ngữ không văn tự, người ta biên soạn sách giáo khoa và nghiên cứu văn hóa dân gian. Có khối lượng lớn tài liệu đã được tập hợp, còn hàng đống  tư liệu chưa được mô tả về những thứ tiếng khác, - đó là việc mà nhà khoa học này dự định làm trong tương lai gần. Còn hiện thời, ngay sau khi nhận Huân chương, Irina Samarina bay đến Nhật Bản dự hội nghị quốc tế, rồi từ đó đi thẳng vào chuyến thám hiểm ngôn ngữ tiếp theo ở Việt Nam.

Chúng tôi rất vui chúc mừng các nhà khoa học Nga, những người làm việc tận tâm vì lợi ích khoa học, vì liên hệ Nga-Việt, bây giờ đã nhận được đánh giá cao của ban lãnh đạo Việt Nam. Hy vọng rằng cuộc đời và sự nghiệp của những người như ông Vladimir Mazyrin và bà Irina Samarina sẽ là tấm gương cho thế hệ kế tục của các nhà Việt Nam học ở Nga.

Thảo luận