Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng việc dạy và học tiếng Việt ở Nga đã bắt đầu vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước tại Moskva, với việc khai trương các tổ bộ môn nghiên cứu tiếng Việt tại Viện Ngôn ngữ Phương Đông (nay là Viện Châu Á và Châu Phi) trực thuộc Đại học Quốc gia Moskva và Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva. Tuy nhiên, các nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov từ Moskva và Vladimir Kolotov từ St. Petersburg đã tìm thấy các tài liệu trong kho lưu trữ của Nga bác bỏ quan điểm này.
Ngay từ thập niên 1920, Viện phương Đông đã được thành lập tại St. Petersburg, lúc đó được gọi là Petrograd, về sau đổi tên thành Leningrad. Năm 1931, nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam được thành lập tại đây. Tháng 10 năm 1931, người lãnh đạo nhóm là ông Murillesov đã báo cáo với Ban thư ký Phương Đông của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản ở Moskva rằng nhà phương Đông Yulian Shchutsky, người tự học tiếng Việt, sống ở thành phố trên bờ sông Neva, cũng có thể dạy sinh viên, nhưng cần phải có một phụ tá là người Việt Nam.
Thông điệp này được gửi đến Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, vì từ đầu những năm 1920, vài chục người Việt Nam đã theo học tại trường Cộng sản Lao động phương Đông, được thành lập để đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước ngoài. Nhóm Việt Nam có những học viên như Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong. Trong những năm 1920-1930và ba mươi, ông Hồ Chí Minh làm việc trong Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Có một chi tiết đáng chú ý. Thông điệp nói trên được gửi trực tiếp đến bà Vera Vasilyeva, người điều phối Đông Dương trong Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản và phụ trách bộ phận Đông Dương. Bà có quan hệ đồng chí thân thiện với ông Hồ Chí Minh. Chính tại ngôi nhà của Vera Vasilyeva, ông Hồ Chí Minh đã gửi chiếc vali bằng da mà ông dự định mang theo khi về nước. Tuy nhiên, tháng 9 năm 1938, ông phải rời Moskva một cách vội vã đến nỗi không kịp đến để lấy vali. Vì vậy, chiếc vali vẫn ở trong nhà bà Vasilyeva. Bà Vera Vasilyeva mất năm 1959.
Nhưng khi đó, tháng 12 năm 1931, thay mặt Ban Thư ký phương Đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Vera Vasilyeva đã thông báo cho Leningrad biết rằng có thể bắt đầu khai giảng lớp học tiếng Việt từ tháng 2 năm sau. Và để tiến hành việc giảng dạy, Moskva sẽ cử ông George Minin đến Leningrad.
Có một chi tiết đáng chú ý. Người được cử đi có tên tiếng Anh George và họ Nga Minin chính là người Việt Nam, tên thật là Nguyễn Khánh Toàn, về sau ông trở thành Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Ông sống ở Moskva 11 năm, cho đến cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ông học và dạy ở Trường Cộng sản Lao động phương Đông, biết tiếng Nga một cách hoàn hảo và đã dịch các tác phẩm của Lênin sang tiếng Việt.
Để dạy cho những người Nga đầu tiên học tiếng Việt ở Leningrad, ông Minin đã viết sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên ở Nga. Sách được xuất bản tại Moskva năm 1933. Và một năm sau, Julian Shchutsky đã soạn sách giáo khoa tiếng Việt của mình. Cuốn sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên do người Nga biên soạn chỉ tồn tại ở dạng bản thảo. Chỉ có một vài bản sao của nó tồn tại cho đến ngày nay.
Có một chi tiết đáng chú ý. Trong sách giáo khoa của mình, ông Shchutsky chỉ ra rằng tiếng Việt có ba phương ngữ, trong đó chuẩn mực nhất là tiếng Nghệ An. Vào thời điểm đó, chuyện này không có gì lạ: dù sao đi nữa thì Hồ Chí Minh và phần lớn học viên Việt Nam của Đại học Cộng sản Lao động phương Đông đều là người gốc miền Trung Việt Nam.
Cho đến nay vẫn được xác định được con số người Nga chính thức học tiếng Việt vào những năm 30 của thế kỷ trước ở Leningrad. Tất cả những người này về sau đều làm việc trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Chúng ta biết tên tuổi của một trong những nhà Việt Nam học đầu tiên của Nga: đó là Yakov Novikov. Ông Yakov Novikov là người biên soạn các bài viết phân tích về khủng hoảng kinh tế, tình hình giai cấp công nhân và vấn đề lúa gạo ở Việt Nam. Ông là tác giả một bài phân tích dài 130 trang về tình trạng ngành công nghiệp ở Đông Dương trong những năm 1935-1938. Chính ông Yakov Novikov đã thay mặt Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ký giấy cử Hồ Chí Minh đi công tác Trung Quốc vào mùa thu năm 1938.
Dựa trên các tài liệu được phát hiện, Anatoly Sokolov và Vladimir Kolotov đã đưa ra kết luận chính đáng rằng việc nghiên cứu tiếng Việt ở Nga đã bắt đầu từ năm 1932 tại thành phố trên bờ sông Neva.