Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh tiếp tục diễn biến tiêu cực, giảm liên tục và đang hướng tới đáy trong vòng 1 năm qua.
HVG giảm 7 trong 10 phiên gần đây (1 phiên đứng giá) mất tổng cộng gần 60% kể từ giữa tháng 4, tương đương vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đây là một diễn biến đáng thất vọng và nó trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng vực dậy doanh nghiệp thủy sản từng được mệnh danh là vua cá tra tại Việt Nam của đại gia Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của ca sĩ Mỹ Tâm một thời.
Chỉ vài tháng trước đây, ông Dương Ngọc Minh rất tin tưởng vào khả năng hồi phục của Thủy sản Hùng Vương với kỳ vọng doanh thu sẽ hồi phục trở lại mức 15-18 ngàn tỷ đồng như hồi năm 2014-2016, thậm chí sẽ nhanh chóng hướng tới mốc tỷ USD như mục tiêu đã được đặt ra trong thập kỷ trước đó.
Thủy sản Hùng Vương đã trải qua một thời tái cấu trúc mạnh mẽ trong khoảng 2 năm gần đây. Doanh nghiệp của ông Ngọc Minh đã bán nhiều tài sản để giảm tỷ lệ nợ, nhằm mục đích tập trung vào mảng chế biến cá xuất khẩu, nhất là vào thị trường Mỹ.
Tại ĐHCĐ Hùng Vương đầu hồi cuối tháng 2, ông Dương Ngọc Minh cho biết nếu nhận được mức thuế tốt từ Mỹ thì HVG sẽ chuyển mình không còn đối phó từng năm, mà sẽ xây dựng chiến lược lâu dài, trở lại ngôi vương đứng đầu ngành cá tra với doanh thu 20 ngàn tỷ/năm. Với mức thuế POR 14 sơ bộ (được công bố hồi tháng 9/2018) là 0%, ông Ngọc Minh dự báo khả năng thành công là 80%, còn lại 20% rủi ro là vì yếu tố chính trị.
Tuy nhiên, kỳ vọng chính quyền ông Donald Trump áp mức thuế chống bán phá giá ở mức thấp đã không thành hiện thực.
Thủy sản Hùng Vương hụt hẫng khi bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Với quyết định này của chính quyền ông Donald Trump, tình hình của HVG trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện với dư nợ vay gần 3 ngàn tỷ và lỗ lũy kế gần 400 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi vào thị trường Mỹ. Trong hai tháng 2-3/2019, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường của ông Trump giảm khá mạnh 23-44% so với cùng kỳ. Với POR14, dự báo xuất khẩu cá tra quý 2 sang thị trường này có thể giảm tiếp.
Nhiều doanh nghiệp cũng chịu mức thuế vào Mỹ cao như: NTSF Seafood (1,37 USD/kg), C.P Vietnam; CL-Fish; Green Farms Seafood, Vinh Quang Corp. (1,37 USD). Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Không những thế, thủy sản vào thị trường Trung Quốc vốn đang thuận lợi cũng có dấu hiệu gặp khó khăn do đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá trước áp lực mạnh lên của đồng USD. Sau khi tăng 50% về giá trị trong 2017 lên 1,3 tỷ USD, xuất khẩu trong 2018 đã giảm 5% và tiếp tục đi xuống đầu năm 2019.
Vietcombank, VPBank, Techcombank, BIDV, Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail, Thế Giới Di Động, FPT, Masan,... đều giảm sâu khiến thị trường không còn lực đỡ.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ 930-940 điểm. Với việc nhiều nhóm cổ phiếu có dấu hiệu rơi vào trạng thái quá bán, thị trường được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại tại vùng hỗ trợ trên. Nếu kịch bản này xảy ra, chỉ số có thể quay lại thử thách vùng kháng cự 958-963 điểm.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDS), mức độ giảm điểm tiếp tục gia tăng mạnh mẽ và các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn bị phá vỡ dễ dàng. Không nhiều cổ phiếu có thể đi ngược xu hướng chung. Rủi ro ngắn hạn vẫn đang hiện hữu và nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro danh mục thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/6, VN-Index giảm 13,41 điểm xuống 946,47 điểm; HNX-Index giảm 1,07 điểm xuống 103,28 điểm và Upcom-Index giảm 0,32 điểm xuống 54,8 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.