Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói về Biển Đông và chiến tranh thương mại

Phó thủ tướng nói lực lượng chức năng kiên quyết bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển của Việt Nam, VnExpress tổng hợp từ phiên chất vấn.
Sputnik

Chính phủ kiên quyết bảo hộ ngư dân
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn về việc ngư dân bị bắt ở vùng biển chưa phân định, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết việc bảo hộ ngư dân là nhiệm vụ rất quan trọng, nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. 

Việt Nam đề nghị Malaysia đối xử nhân đạo với 29 ngư dân bị bắt

Thời gian qua, có một số ngư dân Việt Nam bị bắt giữ khi đánh cá ở vùng biển hợp pháp; các cơ quan chức năng đã kiên quyết đấu tranh với các nước, yêu cầu phải đối xử nhân đạo, thả người, bồi thường thiệt hại.

Một số ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như giữa Việt Nam và Indonesia. Năm 2013 Việt Nam và Indonesia đã phân định thềm lục địa nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế nên có tranh chấp vùng đánh cá. Khi va chạm xảy ra, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi với sứ quán nước này tại Việt Nam cũng như đối tác Indonesia, yêu cầu thả ngư dân và đền bù.

Tuy nhiên, cũng có vụ ngư dân Việt Nam đánh cá vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt. Chính phủ vẫn bảo hộ công dân đối với các ngư dân này thông qua việc thăm lãnh sự, yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý, thả người và tàu biển.

Việt Nam yêu cầu Indonesia thả ngay ngư dân và đền bù thỏa đáng

Theo Phó thủ tướng, bên cạnh các giải pháp bảo hộ, cơ quan chức năng và địa phương cũng phải giáo dục ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉ đánh trong vùng biển hợp pháp, được các lực lượng chức năng, kiểm ngư của Việt Nam bảo vệ.

Giải ngân vốn ODA chậm
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chất vấn về việc giải ngân vốn ODA chậm và giải pháp của Chính phủ là gì?

Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, đúng là tình hình giải ngân dự án dùng vốn ODA chậm, như năm 2018 mới đạt 63,2%; 5 tháng đầu năm 2019 có tăng, song vẫn chậm. 

Lý do được ông Minh chỉ ra, các Bộ, ngành, địa phương không đảm bảo bố trí vốn đối ứng trong các dự án dùng vốn ODA. Ông phân tích, khi ký các hiệp định vay vốn ODA, nhà cấp vốn yêu cầu Việt Nam phải có vốn đối ứng giải quyết các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và các Bộ, ngành, địa phương khi đó đều cam kết sẽ có nguồn vốn này. Song thực tế khi triển khai dự án lại chưa bố trí, hoặc bố trí không phù hợp...

Trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam

Ngoài ra, tại một số dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Nguyên nhân khác là năng lực ban quản lý dự án, chủ đầu tư thấp, chưa đáp ứng trong triển khai thực tế; giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài; biến động tỷ giá... cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn vay ODA.

"Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo"
Trả lời chất vấn về vấn đề Biển Đông hiện nay, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng.

"Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển vẫn được thực hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao, biện pháp cần thiết khác", ông Minh nói.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng: Tàu Trung Quốc hiện chưa gây ảnh hưởng đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam

GDP Việt Nam giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động chiến tranh thương mại
Ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương nêu chất vấn, "chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang vào hồi quyết liệt, vậy hành động của Việt Nam như thế nào?".

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới. 

"Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%", ông cho biết, 

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma? Vấn đề sống còn đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam. Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018 với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...

"Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại", Phó thủ tướng nói.

Ông lưu ý, hiện đang xuất hiện xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do đó chính sách thu hút đầu tư cần có chọn lọc hơn, ưu tiên, đảm bảo công nghệ hiện đại, môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hoá thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.

GDP Việt Nam vượt Singapore: "Chỉ là con số, thu nhập của người Việt thấp hơn 20 lần của họ!"

Tăng nặng hình phạt với doanh nghiệp lấy hàng hoá nước ngoài gắn mác made in Việt Nam
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Liên về hàng hoá không rõ nguồn gốc, Phó thủ tướng nói, vừa qua lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều hàng hoá từ nước ngoài nhưng đã dán sẵn tem mác ghi sản xuất tại Việt Nam. 

Theo ông, những hành vi đó ảnh hưởng đến thương hiệu của hàng hoá Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng, nguy cơ hàng hoá Việt Nam bị nước ngoài xem xét khi nhập khẩu... Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, đó là kiểm soát cửa khẩu, không để hàng hoá nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam, tăng cường kiểm tra kho tàng, bến bãi và xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển phân phối các hàng hoá nước ngoài dán nhãn made in Vietnam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tăng cường tuyên truyền để nhân dân, các doanh nghiệp Việt Nam không bao che cho hành vi nói trên.

Mỹ tăng cường nhập hàng Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc

"Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng đề án chống hàng hoá gian lận xuất xứ, đánh giá toàn diện, đề xuất biện pháp xử lý; đồng thời xây dựng nghị định thay thế nghị định hiện hành theo hướng tăng nặng hình phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp lấy danh nghĩa hàng hoá Việt Nam một cách trái phép để xuất vào các thị trường khác", ông Minh nói.

Tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu chất vấn về ngoại giao văn hoá và quyết sách đột để du lịch Việt Nam sớm bứt tốc. 

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói, hội nhập văn hoá là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng đã thông qua chiến lược ngoại giao văn hoá tới năm 2020, định hướng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài... Việt Nam đã tổ chức ngày Việt Nam tại nhiều nước. 

Tới đây Chính phủ sẽ có các bước đi tiếp theo để vận động Unesco công nhận các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của Việt Nam. Đây cũng là một trong những kênh để các quốc gia biết tới Việt Nam nhiều hơn trên phương diện văn hoá.

Hải quan chặn hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam

Liên quan tới quảng bá du lịch, Phó thủ tướng cho biết, hiện có 96 cơ quan đại diện, đại sứ quán, tổng lãnh sự ở các nước, có trách nhiệm quảng bá văn hoá, du lịch tới các nước trên thế giới. Luật Du lịch có nêu thiết lập các văn phòng đại diện, văn phòng quảng bá du lịch trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội hoá.

"Xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng"
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Các cơ quan cũng đã đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; "Vũ nhôm"; "Út trọc", Thép Thái Nguyên...); tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm...).

Thế lực nào đứng sau sai phạm đất của Út “trọc”, Vũ “nhôm"?

"Không kỳ thị kinh tế tư nhân"
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thông tin, hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

Việt Nam cũng đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng: Kinh tế nhà nước vừa qua có nhiều thất thoát, đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị...

Triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng
Báo cáo trước Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, 5 tháng qua tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục phát triển ổn định, dù bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, xung đột thương mại diễn biến khó lường. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất 3 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Phá đường dây đánh bạc gần 4.000 tỉ đồng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Tổng vốn đăng ký, tăng thêm vốn FDI đạt trên 9 tỷ USD; vốn thực hiện 7,3 tỷ USD. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Có gần 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, và khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng... Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng...

"Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, nỗ lực cao nhất hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2019", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Giải ngân 100.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm
Báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, 5 tháng đầu năm, gần 100.000 tỷ đồng đã được giải ngân, bằng gần 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).

Việt Nam liệu có thể cạnh tranh FDI với Trung Quốc?

Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật về đầu tư công.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm; yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Phó thủ tướng cho biết, để khắc phục các bất cập, tồn tại trong các quy định pháp luật về đầu tư công, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin - cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm...

"Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét và thông qua Dự án Luật này", ông Minh nói.

Thảo luận