Kết quả cho thấy trong năm 2016-2017 sau khi Donald Trump nhậm chức, mức độ tin tưởng vào tổng thống Mỹ đã giảm 11,2%. Và do đó thế giới coi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc là những đối tác đáng tin cậy hơn, IEP kết luận.
Báo cáo thường niên của IEP, được gọi là báo cáo “Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2019” cho biết nhìn chung, niềm tin vào Hoa Kỳ đã giảm dần kể từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm nhanh nhất bắt đầu xảy ra ngay sau khi Donald Trump lên nắm quyền. Các cựu chính trị gia Mỹ mỉa mai về kiểu ngoại giao qua Twitter của Tổng thống Mỹ và họ nói rằng dường như chính ông Trump vào buổi sáng không biết ông sẽ viết những gì vào buổi tối trên Twitter, nói gì đến cộng đồng quốc tế, cố gắng vô ích để giải mã các tín hiệu từ Washington.
Tình huống này được minh họa rõ ràng bởi lịch sử quan hệ giữa chính quyền Trump với Trung Quốc. Tuyên bố đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với công ty ZTE Trung Quốc, và sau đó, sau khi nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trump quyết định "ân xá" công ty này. Thay vào đó họ lại áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Một lần nữa, sau cuộc gặp gỡ cá nhân với người đồng cấp Trung Quốc tại Argentina, Washington tuyên bố đình chiến thương mại. Có tới 11 vòng đàm phán thương mại, cả thế giới đọc những dòng tweet lạc quan từ tổng thống Mỹ và chờ đợi giải quyết tranh chấp. Và ở đây lại một sự đảo ngược bất ngờ: Trump tăng thuế, với lý do Trung Quốc cố gắng thoát khỏi các thỏa thuận đã đạt được trước đó.
Như lưu ý trong báo cáo IEP, cộng đồng quốc tế tin tưởng vào chính quyền Barack Obama trước đây, vì khi đó Hoa Kỳ hội nhập sâu vào các quy trình trên thế giới và ký kết số lượng lớn thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên hiện nay chính sách của Trump là hoàn toàn khác. Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, quyết định viết lại thỏa thuận thương mại với các nước láng giềng. Các đồng minh quân sự trong NATO thường xuyên bị khiển trách vì chi tiêu quân sự không đủ và nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không đảm bảo an toàn cho người khác bằng chi phí của mình. Một mặt America First (Nước Mỹ trên hết) là khẩu hiệu giúp Trump có được sự tin tưởng của cử tri. Nhưng mặt khác, cách tiếp cận như vậy đã phá hủy niềm tin vào Hoa Kỳ từ các quốc gia khác, theo chuyên gia Trung tâm Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh Zheng Anguang nói với Sputnik.
“Trước hết, Hoa Kỳ bỏ qua những quy tắc và lợi ích toàn cầu của các quốc gia khác, họ chỉ ưu tiên đến lợi ích của mình. Mỹ theo đuổi chính sách giải quyết vấn đề của chính họ bằng chi phí của các nước khác. Ví dụ như rút ra khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế khác nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng tới hệ thống quản trị toàn cầu và làm xói mòn các nguyên tắc đạo đức của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ theo đuổi chính sách gây áp lực trong quan hệ. Đồng thời, họ thường từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình, đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau.
Sử dụng áp lực tối đa để đàn áp các nước yếu, trái với bất kỳ chuẩn mực đạo đức nào. Và điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng hình ảnh của Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm trên thế giới, chưa kể đến vị thế một nhà lãnh đạo. Cuối cùng, các thực tiễn quản lý được Trump áp dụng đi ngược lại nền tảng truyền thống và nguyện vọng của các dân tộc. Ông giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở kinh doanh, dựa vào mối quan hệ gần gũi của bạn bè và người thân. Trong các bài phát biểu trước công chúng, không phải lúc nào ông ta cũng làm theo những gì đã nói và xúc phạm cảm xúc của người khác, ví dụ như gọi một số quốc gia bên kia đại dương và châu Phi là "lỗ hổng bốc mùi".
Với thái độ này, có gì lạ khi nhiều nước đang phát triển hướng tới đầu tư của Trung Quốc. Cho dù Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây kêu gọi cảnh giác với sáng kiến của Trung Quốc “Một vành đai, một con đường”, các quốc gia nghèo vẫn đón nhận một cách nhiệt tình. Họ cần phát triển cơ sở hạ tầng. Và đây là một quá trình cực kỳ tốn kém và lâu dài, đầu tư tư nhân theo truyền thống miễn cưỡng đi đến các khu vực này. Phương Tây đã không đưa ra được các lựa chọn thay thế sáng kiến của Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng trọng lượng trên trường quốc tế, ông Zheng nói.
“Chính sách ngoại giao Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của không chỉ lời nói mà cả hành động. Trung Quốc ủng hộ các nguyên tắc đạo đức quốc tế, rất chú trọng đến niềm tin quốc tế, vì vậy bạn bè trên thế giới sẽ ngày càng trở nên nhiều hơn. Và Trung Quốc sẽ trở thành một thành trì ngày càng quan trọng của hệ thống quốc tế dựa trên đạo đức và nguyên tắc”.
Báo cáo IEP được tổng hợp trên cơ sở 23 chỉ tiêu định lượng và định tính cho tất cả các quốc gia, chiếm gần 100% dân số thế giới. Lần này, Hoa Kỳ đứng cuối danh sách về chỉ số yêu hòa bình. Trong số 163 quốc gia, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đứng thứ 128. Thứ hạng về hòa bình ngày càng tồi tệ của Hoa Kỳ đã được giải thích bằng tần suất các cuộc tấn công vũ trang trong nước ngày càng tăng, sự tăng trưởng chi tiêu quân sự Mỹ, cũng như hiện diện quân sự ở các điểm nóng nhất thế giới: Afghanistan, Syria, Iraq và Yemen.