Phó Tổng thống Philippines muốn đưa thủ phạm đâm tàu cá nước này ra xét xử tại Manila

Theo VTC News - Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo kêu gọi đưa thủ phạm vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá nước này ra xét xử trước tòa án ở Manila.
Sputnik

Trong tuyên bố đưa ra hôm 16/6, bà Robredo kêu gọi Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu chính phủ Trung Quốc truy tìm những kẻ đã bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines trên biển hôm 9/6 và trừng phạt theo các điều ước quốc tế và luật pháp Philippines.

"Chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao yêu cầu chính phủ Trung Quốc tìm ra thủ phạm để họ ra trình diện trước tòa án Philippines. Công lý cho 22 ngư dân Philippines đòi hỏi tòa án của chúng tôi phải đảm nhận quyền tài phán", bà Robredo nói. 

Tuy nhiên, nữ chính trị gia này lo ngại Trung Quốc sẽ không thực thi công lý với những người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc nếu nhìn vào tuyên bố mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đưa ra tối 14/6. 

Thuyền trưởng tàu Philippines bị đâm chìm: 'Không có tàu Việt Nam, chúng tôi đã chết'

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/6, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila khẳng định, tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đang đánh bắt bằng đèn tại bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nan) thì bị 7-8 tàu cá Philippines bao vây.

"Trong lúc bỏ chạy, 42212 không kịp tránh một tàu cá Philippines, dây cáp trên cột đèn va phải buồng lái tàu Philippines làm con tàu này bị nghiêng và chìm phần đuôi", tuyên bố cho biết. 

Cũng theo tuyên bố này, thuyền trưởng Trung Quốc đã cố giải cứu các thuyền viên Philippines nhưng lại lo sợ bị nhóm tàu Philippines bao vây.

Tuyên bố này ban đầu được đăng tải sau đó bị gỡ xuống rồi lại xuất hiện trở lại mà không có bất cứ giải thích nào từ đại sứ quán. 

Vị Phó Tổng thống Phillipines cũng chỉ trích chính quyền của ông Duterte vì chính sách "ít quyết đoán hơn" với Trung Quốc ở một số vùng biển trong khu vực. Nhiều chính trị gia Philippines trước đó cũng chỉ trích nhà lãnh đạo Philippines hời hợt trước các hành động quân sự hóa trái phép liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông và không gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết về Biển Đông mà Tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016. 

Thảo luận