Góc khuất của thiên đường du lịch Phú Quốc

Đảo ngọc Phú Quốc đang là cái tên “sáng giá” trên thị trường du lịch trên thế giới, được kênh CNN (Mỹ) bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á. Nhưng đáng buồn thay, Phú Quốc cũng đang bước trên những “vết xe đổ” của nhiều “thiên đường du lịch” khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới, - báo Pháp Luật phản ánh.
Sputnik

Đó là những góc khuất nhức nhối về rác thải, ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên. Dư luận cho rằng, ưu tiên hàng đầu phải là xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường trước khi quá muộn.

Vai trò du lịch biển trong Chiến lược biển Việt Nam

Thủ phủ du lịch nức tiếng 

Mới đây, kênh CNN (Mỹ) đã xướng danh 17 điểm đến hàng đầu cho những trải nghiệm tối ưu của châu Á, trong đó Việt Nam đóng góp tới 2 địa danh nổi bật là Hà Nội và Phú Quốc. Đây là một dấu mốc đánh giá sức nóng của du lịch Việt Nam nói chung và “thiên đường” đảo ngọc Phú Quốc nói riêng.

Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, với biển xanh, cát trắng và nắng vàng, nhiều người còn biết đến Đảo Ngọc với cái tên “thủ phủ du lịch châu Á”. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên ưu ái, bãi biển được trang bị tuyến cáp treo hiện đại, các bãi biển của Phú Quốc vinh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á.

Thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, Phú Quốc thu hút 339.277 lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước, và ghi nhận sự tăng trưởng khách du lịch châu Âu, châu Mỹ.

Để khai thác hiệu quả và đẩy mạnh lợi thế về cảnh quan của “Nam đảo”, hàng loạt các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng như Sun Group, Vingroup… đã mạnh tay đầu tư, xây dựng và mở rộng các hạng mục khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp, khu tổ hợp vui chơi giải trí hạng sang, bên lề cảnh quan mà thiên nhiên ưu ái cho nơi này.

Cẩm nang cho khách du lịch: Các sân bay tốt nhất năm 2019

Cũng theo CNN, bên cạnh lợi thế về sự thuận tiện với các hãng hàng không giá rẻ, tàu cao tốc và việc gia tăng kết nối quốc tế thì vẻ đẹp thiên nhiên nao lòng, văn hóa truyền thống đậm nét, kiến trúc cổ đặc trưng và nền ẩm thực thu hút của Phú Quốc cũng từ lâu đã lưu giữ trái tim của du khách khi đặt chân đến nơi đây. Nhờ đó mà thương hiệu “du lịch đảo ngọc” ngày càng “có giá”  và trở thành lực hấp dẫn mạnh mẽ với du khách, nhất là du khách quốc tế.

Khảo sát của ForwardKeys mới đây cho thấy, du khách bay từ Nga tới Việt Nam tăng cao nhất trong năm nay, tới 153%, cao hơn so với Thái Lan và Maldives với mức tăng lần lượt là 125% và 58%. Giới chuyên môn nhận định, đối với du khách Nga, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hơn cả Thái Lan.  

Trả lời các hãng thông tấn, ông Stephan Roemer, CEO của hãng du lịch Dietmus nói: “Ngày càng nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng chất lượng trên khắp Việt Nam với nhiều mức giá khác nhau. Đặc biệt, Phú Quốc đã trở thành điểm đến rất được yêu thích”.

Bi kịch “sông đen, biển đen” … vì rác 

Đầu tháng 5/2019, ngành du lịch đã phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng của dòng sông Dương Đông (Phú Quốc) ngập chìm trong “biển rác” và nước thải. Sự việc trên được một du khách người Hàn Quốc quay video lại và đăng tải lên mạng xã hội. Hình ảnh một miệng cống rộng gần 2m đang nhả dòng nước cuồn cuộn đen như mực ra biển Phú Quốc khiến không ít du khách không khỏi… “rùng mình”.

Đi về phía hạ nguồn, đoạn sông từ cầu Hùng Vương ra tới cửa biển, rác được sóng đẩy về tập kết thành một bãi rác nổi. Tiếp tục tới thượng nguồn của con sông chừng 6km, cùng với rác thải đủ loại là những mảng rong rêu, bọt bẩn nổi kín mặt sông.

Đông Nam Á quyết tâm không là “bãi rác khổng lồ” của các nước giàu

Theo một cuộc điều tra khác, nguyên nhân ô nhiễm các dòng sông ở Phú Quốc là từ rác, nước thải sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của cư dân sinh sống ven sông, bãi biển. Song nghiêm trọng hơn, bên cạnh sự gia tăng dân số, quá trình xây dựng phát triển đô thị; ở các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, lượng rác thải tăng gấp đôi so với bình thường do lượng du khách đổ về đông đảo, đặc biệt trong mùa cao điểm, nhu cầu phục vụ cao. 

Không thể phủ nhận, du lịch Phú Quốc đang đi lên từng ngày. Song, lượng khách du lịch gia tăng cũng kéo theo sức ép về môi trường. Hệ lụy khác là lượng du khách đến đây sẽ ngày càng suy giảm bởi lo ngại biển, sông, hồ ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe. Còn nhìn trong khu vực, chính quyền nhiều nước đã phải đóng cửa những “thiên đường du lịch” vĩnh viễn để bảo tồn hệ sinh thái, đánh đổi thất thu về mặt kinh tế.

Đơn cử, tại Thái Lan, bãi biển nổi tiếng Maya Bay đã phải đóng cửa vô thời hạn để hồi phục lại cảnh quan thiên nhiên. Được biết, mỗi ngày bãi biển này đón tiếp tới 5.000 lượt khách khiến cây cối và các thực vật nhỏ bị bật gốc, đất xói mòn và các rạng san hô biển bị tổn thương nặng nề. Hay tại “đảo rồng Komodo” của Indonesia cũng phải đóng cửa với khách du lịch vì thực trạng những “con rồng” quý hiếm trên đảo phải trốn đi hoặc bị chết do quá trình du lịch diễn ra thường xuyên, đe dọa môi trường sống của chúng.

Trước thực trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường tại Phú Quốc, các cơ quan quản lý đã đề ra một số biện pháp cụ thể, như tăng cường kiểm soát hệ thống xả thải trái pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đầu tư một số hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu phố, khu dân cư tập trung; tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho người dân, du khách...

Tuy vậy, đảo ngọc Phú Quốc có thể giữ mãi cái tên “thủ phủ du lịch biển của châu Á” hay không phải là nỗ lực của không chỉ các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của cả xã hội, người dân và du khách. 

Thảo luận