Số liệu này được Ipsos Consulting đưa ra sau khi nghiên cứu, phân tích các số liệu nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo ý kiến chuyên gia. Thời điểm thiếu hụt theo tính toán là từ cuối năm 2019 cho đến gần Tết Nguyên đán 2020. Sản lượng thiếu hụt chiếm gần 20% tổng nhu cầu của thị trường.
Ipsos Consulting cũng ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm tháng 6-2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp.
Song song với sự sụt giảm mạnh về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng phần nào bị suy giảm trong thực tế.
“Như vậy, tuy nhu cầu có giảm theo thời điểm nhưng do nguồn cung giảm mạnh hơn nên dự đoán là cung sẽ vẫn không đủ cầu”, báo cáo nêu. Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy tín hiệu lạc quan khi nhận xét “tương tự như tác động của cuộc khủng hoảng thừa năm 2017, diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi đã gây ra những hệ quả không nhỏ cho thị trường chăn nuôi heo Việt Nam theo chiều hướng ngược lại, nhưng cũng đồng thời mở ra hướng đi mới cho thị trường này”.
Về con số báo cáo nguồn cung thịt heo giảm, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan cho rằng là con số có cơ sở. Bởi hiện nay, nỗi lo dịch bệnh khiến không ít hộ chăn nuôi không tái đàn, việc tái đàn phần nhiều đến từ các công ty, đơn vị chăn nuôi lớn.
Tuy nhiên, theo ông An, cũng còn phải chờ vào phản ứng của thị trường, mà cụ thể là sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Ông An cung cấp thêm thông tin, hiện nay, lượng heo giết mổ mỗi ngày của Vissan tăng thêm 100 con, lên con số 1.300. Lượng này bao gồm cả đưa ra thị trường và cấp đông dự trữ.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tới ngày 23-6 dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 4.401 xã, 459 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Tổng số lượng heo phải tiêu hủy là hơn 2,8 triệu con.