Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêu huỷ hơn 1,5 triệu con lợn mắc dịch tả châu Phi, chiếm 5% tổng đàn lợn toàn quốc. Và con số này vẫn còn đang tăng thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt với loại bệnh nguy hiểm như thế này. Mặc dù Việt Nam chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm, từ tháng 8/2018, khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng bệnh vẫn lây lan và vào ngày 1/2, dịch bắt đầu ở địa phương đầu tiên là Hưng Yên. Và tới nay đã xuất hiện tại 34 tỉnh và thành phố. Dịch bệnh ở Hà Nội và các tỉnh, thành đều có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả nơi có điều kiện chăn nuôi an toàn.
Trước tình hình phức tạp đó, ngày 20/5 Ban Bí thư đã ra chỉ thị về việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi và công tác quản lý nhà nước của ta. Vì vậy, phòng, chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay”, - Trích Chỉ thị 34 CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn Châu Phi.
Ban Bí thư yêu cầu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Trước đó, ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến trang trại lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh - một trong những địa phương có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn nhất của Hà Nội với thiệt hại đến 20% để kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, Thủ tướng Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hà Nội.
Trước đó nữa, ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua.
Sự vào cuộc của các cấp cao nhất minh chứng cho sự nguy hiểm của đại dịch nói trên, nhất là trong tình hình như hiện nay, khi vẫn chưa sản xuất được vaccine phòng chống hữu hiệu mặc dù đã phân lập được Virus.
“Các biện pháp dập dịch "cổ điển" vẫn đang được tiến hành gồm: Khoanh vùng, cô lập địa bàn có dịch, thắt chặt kiểm soát, triệt để khử trùng người và phương tiện ra vào địa bàn có dịch, phát hiện sớm và xử lý ngay các ổ dịch bằng phương pháp chôn lấp và khử trùng, tích cực thí nghiệm, điều chế để sớm tìm ra vaccine đặc hiệu”, - Một chuyên gia về vệ sinh dịch tễ nói với Sputnik.
Nhưng liệu những biện pháp “cổ điển” có cứu vãn được tình hình?
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần như “phá vỡ” hệ thống phòng, chống dịch ở Việt Nam với tốc độ lây lan rất nhanh. Nếu không ngăn chặn được dịch này, hậu quả sẽ "vô cùng tàn khốc". Chính Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nói: Nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo ba hướng: Tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được; lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn. Ông Nguyễn Xuân Cường còn nói rằng, nếu kịch bản trên xảy thì hậu quả sẽ "vô cùng thảm khốc", gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe dọa một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
"Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu hủy đảm bảo đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao", - Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu.
“Thật đáng buồn là ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ta phải nói là cực kỳ kém. Chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt. Hậu quả thế nào thì không cần biết. Tình trạng "bán chạy lợn dịch" diễn ra khắp nơi. Số lợn bị dịch, lẽ ra phải bị tiêu hủy, nhưng còn có biểu hiện xót của, cố chữa chạy, khiến bệnh càng lan nhanh... Hoặc khi lợn bị chết bệnh, không tiêu thụ được thì tìm biện pháp "thả trôi sông" cho đỡ mất thời gian, đỡ tốn kém...Trong khi đó hiệu lực quản lý của chính quyền lại càng kém hơn. Tình trạng quan liêu, lối làm việc hình thức, thiếu chiều sâu, không hiệu quả cũng diễn ra tương đối phổ biến ở các cấp chính quyền. Tất cả những cái đó khiến dịch bệnh ngày càng gia tăng, nghiêm trọng. Và... một lần nữa, người ta lại nghĩ đến công an, quân đội như là phao cứu sinh để giải quyết tình hình”, - Một quân nhân cao cấp nói với Sputnik.
Quân đội và Công an đã phải vào cuộc
“Nhiệm vụ chủ yếu của công an, quân đội là: Giúp tiêu hủy số gia súc bị bệnh nhanh chóng, khẩn trương, tránh để lây lan; điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm làm gương đối với các tập thể, cá nhân có lỗi, hòng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong thực thi công vụ. Không có mục đích "chính trị" nào khác ở đây cả!”, -Nguồn tin nói trên khẳng định.
“Quân đội có nhân lực mạnh, có thể hỗ trợ tốt cho các địa phương dập dịch bằng việc thu gom lợn chết, vận chuyển, chôn lấp, khử trùng. Quân đội có các cơ sở nghiên cứu sinh hóa hiện đại, có thể phối hợp với Bộ Y tế giúp Bộ Nông nghiệp sớm tìm ra vaccine đặc hiệu chống dịch tả lợn; đồng thời nghiên cứu khả năng biến thể có thể lây sang người để phòng chống. Bộ đội hóa học có các phương tiện tiêu độc tẩy trùng hiện đại, có thể tẩy trùng tiêu độc hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp phòng chống dịch gia súc cổ điển.
Công an chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan thú ý địa phương kiểm soát chặt việc ra vào vùng dịch, kiên quyết ngăn chặn việc di chuyển gia súc từ vùng dịch sang vùng khác bằng phương tiện vận tải các loại. Công an bảo đản an ninh trật tự trong vùng có dịch tả lợn, trấn áp ngay việc lợi dụng dịch bùng phát để phá hoại sản xuất. Công an bảo đảm an ninh xã hội trong cả nước, chống việc lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để phao tin đồn nhảm, gây rối loạn trật tự xã hội, lợi dụng việc dập dịch chưa thành công để xuyên tạc chủ trương chính sách, chống chính quyền”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự phát biểu với Sputnik.
Song song với những biện pháp nói trên, tại Việt Nam, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đang được chú trọng; việc thông tin, tuyên truyền để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân đang được tích cực triển khai.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại hơn 60 quốc gia. Hàng trăm triệu con lợn đã bị tiêu hủy và hàng chục tỉ đôla Mỹ đã phải chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh này. Hiện nay, tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, cả ở Việt Nam.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ trung ương tới địa phương, của cả hệ thống chính trị, Việt Nam quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian nhanh nhất để bảo vệ sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.