Tác giả bài báo Ben Lowsen đến năm 2016 đã làm việc ở Bắc Kinh với tư cách trợ lý tùy viên quân sự Mỹ, hiện nay ông là chuyên gia tư vấn cho Hải quân Mỹ về các vấn đề chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Trong bài viết này, ông trình bày những quan điểm ngày càng phổ biến ở Mỹ về chính sách kiềm chế Trung Quốc. Theo ông Lowsen, trong số những "át chủ bài" của Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan không chỉ là việc công nhận tính hợp pháp của chính phủ Đài Bắc, mà còn khả năng ký kết thỏa thuận Mỹ-Đài Loan về quốc phòng song phương. Sputnik yêu cầu chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đánh giá về tài liệu này và những bài báo với nội dung tương tự về quan hệ với Đài Loan xuất hiện gần đây tại Hoa Kỳ.
Đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về việc thành lập Khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Tài liệu này không chỉ nói chi tiết về chiến lược răn đe Trung Quốc theo mọi hướng, mà còn tập trung vào việc ngăn chặn chính sách của Bắc Kinh trong quan hệ với Đài Loan. Washington thậm chí gọi Đài Loan là "một quốc gia".
Trong năm 2018, Hoa Kỳ đã đưa ra những thay đổi quan trọng vào chiến lược đối với Đài Loan, đã đơn giản hóa đáng kể thủ tục phê duyệt chuyển giao vũ khí mới cho hòn đảo, tăng cường trao đổi các phái đoàn quân sự và chính trị, tăng cường hoạt động hải quân ở vùng biển quanh đảo. Ngay ở giai đoạn tranh cử và trên tư cách tổng thống đắc cử, trước khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã bày tỏ nghi ngờ về nguyên tắc “một Trung Quốc”, mà đây là cơ sở của mối quan hệ Mỹ- Trung trong 40 năm qua.
Trước đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã kêu gọi "chơi con bài Đài Loan" chống lại Bắc Kinh. Vào tháng Năm năm nay, ông Bolton đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Hội đồng An ninh Đài Loan David Lee. Đây là cuộc gặp đầu tiên của các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan ở cấp cao như vậy kể từ khi chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa hai bên 40 năm trước.
Cam kết của Hoa Kỳ với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và những vấn đề khác được ghi trong ba thông cáo Mỹ -Trung vẫn là cơ sở của mối quan hệ Trung -Mỹ. Cam kết này có một số điều kiện. Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn khó khăn nhất của Chiến tranh Lạnh. Khi đó Hoa Kỳ đang hứng chịu thất bại nặng nề và nhục nhã ở Việt Nam, tình hình chính trị nội bộ cũng không ổn định, và nền kinh tế đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng. Quan hệ đối tác với Trung Quốc đã cho phép thay đổi tương quan lực lượng trên trường quốc tế, để bao vây Liên Xô về mặt chiến lược.
Vào những năm 1970, để bảo đảm lợi ích chiến lược của mình, Hoa Kỳ đã phản bội Đài Loan, một đồng minh trung thành của họ đã tích cực đấu tranh chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á trong thời gian Chiến tranh Lạnh.
Sự tham gia của Đài Loan vào Chiến tranh lạnh là một chủ đề riêng. Được biết, tình báo Đài Loan và các đơn vị đặc nhiệm của họ đã tích cực tham gia vào các cuộc xung đột ở Đông Nam Á và các khu vực khác. Ví dụ, một đơn vị đặc biệt của Không quân Đài Loan đã tham gia bí mật vào cuộc chiến giữa lãnh đạo miền Bắc và Nam Yemen vào những năm 1979-90. Đài Loan thường xuyên chiến đấu về phe Mỹ, nhưng Hoa Kỳ luôn sẵn sàng phản bội Đài Bắc.
Bây giờ tình hình đã thay đổi. Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng, người Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các thỏa thuận cũ với Trung Quốc. Bây giờ Bắc Kinh trở thành đối thủ chính của họ. Trong điều kiện mới, Đài Loan đang biến thành một điểm nóng nguy hiểm ở Đông Á. Trung Quốc không thể nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan, hòn đảo này không chấp nhận mô hình chính trị "một quốc gia, hai chế độ", và Mỹ coi Đài Loan là một cơ hội để gây áp lực với Trung Quốc.
Nếu ở eo biển Đài Loan bùng nổ xung đột quân sự, nó sẽ gây thiệt hại lớn, chủ yếu ảnh hưởng đến hòn đảo. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ quan tâm đến việc phải làm thế nào để cuộc xung đột này làm suy yếu vị thế chiến lược của Trung Quốc, và không chú ý đến những mất mát có thể có trên đảo.