Trong bối cảnh những vấn đề phức tạp trong quan hệ với Bắc Kinh, nội dung chính trong những cuộc gặp này sẽ là thúc đẩy chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đang ngày càng có định hướng chống Trung Quốc. Sputnik giới thiệu bình luận của chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin.
Báo cáo về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố đầu tháng 6 là văn kiện quan trọng nhất định hướng quy chế mới của quan hệ Mỹ-Trung và chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực nói chung. Tài liệu khái quát sự dịch chuyển dứt khoát của trung tâm chính trị thế giới sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: trong phần đề dẫn của báo cáo gọi nơi đây là “khu vực riêng quan trọng nhất đối với tương lai của nước Mỹ”. Như vậy, đã chính thức thừa nhận rằng thế giới trong thế kỷ 21 thì chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng tương tự như chính trị tại châu Âu hồi thế kỷ 17- 20. Sự thống lĩnh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có nghĩa là thống lĩnh thế giới bởi tất cả những khu vực khác kể cả châu Âu đang biến thành ngoại vi chiến lược. Để chứng minh tầm quan trọng của khu vực này, trong báo cáo chỉ ra rằng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện hữu ba nền kinh tế lớn nhất thế giới thực tế là thủ lĩnh toàn cầu về nhịp độ tăng trưởng kinh tế, phần lớn nền thương mại thế giới đều tập trung ở đây.
Tài liệu rõ ràng mang tính đối đầu trong quan hệ với CHND Trung Hoa và những dự án của Bắc Kinh chẳng hạn như “Vành đai và Con đường”, và quảng bá khái niệm tư tưởng và tuyên truyền của riêng Mỹ - “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (Free and Open Indo-Pacific, FOIP). Khái niệm này dựa trên bốn nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia; Giải quyết hòa bình các tranh chấp hòa bình; Thương mại tự do, trung thực và có đi có lại, dựa trên sự cởi mở dành cho đầu tư, thỏa thuận minh bạch và kết nối tương hỗ; Tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không.
Trong ý “tự do” của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề cập đến tình trạng công việc mà tất cả các nước trong khu vực có thể có chủ quyền mà không bị "ép buộc" từ phía các quốc gia khác. Còn “cởi mở” có nghĩa trước hết là sự cởi mở của các tuyến hàng hải và đường biển quốc tế, vũ trụ và không gian mạng.
Đương nhiên, chẳng có ý nghĩa gì khi định tìm bất kỳ mối liên hệ nào giữa kết cấu tư tưởng này với thực tế chính trị. Liên hệ ở đây, tất nhiên, là không thể. Làm sao có thể nói về “thương mại tự do, công bằng và kết nối tương hỗ” nếu những năm gần đây Hoa Kỳ tiến hành cuộc thương chiến và áp đặt lệnh trừng phạt không chỉ chống Nga và Trung Quốc mà còn với hàng loạt đồng minh của Mỹ?
Nhưng điều đáng chú ý là các tác giả của văn kiện thậm chí chẳng thèm cố gắng gì để FOIP có vẻ ngoài công bằng hợp pháp. Một số từ chung chung nào đó về các nguyên tắc được nói ra, bởi đây là luật của thể loại này, nhưng người Mỹ không sửa soạn phí thì giờ để biện minh cho luận điểm của họ. Hoa Kỳ cho rằng người ta không sống trong thời đại tranh luận trí tuệ, mà trong cảnh đe dọa quân sự và ép buộc kinh tế, và chính đây là cơ sở cho chính sách Mỹ tại khu vực.
Trong phần về xu thế và thách thức trong chính trị khu vực, có một số trang dành nói về vai trò dường như rất tiêu cực của Trung Quốc trong khu vực. Phần này gồm 7 trang thì 4 nói về Trung Quốc. Thực chất, những lời cáo buộc chống Trung Quốc dẫn đến ấn tượng rằng khi trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng phát triển quân đội và theo đuổi phương thức ngoại giao kinh tế để thúc đẩy lợi ích của mình nhiều hơn. Ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, quân sự hóa các đảo trên Biển Đông và tung gián điệp, danh sách các than phiền còn gồm cả việc Bắc Kinh ráo riết thúc đẩy các dự án kinh tế và ép buộc lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong bối cảnh Hoa Kỳ sử dụng rộng rãi nhất các biện pháp trừng phạt và đe dọa trừng phạt, thậm chí chống cả các đồng minh, cáo buộc cuối cùng nghe có vẻ vô lý và nực cười.
Nhưng xin nhắc một lần nữa, đây là một trong những đặc tính của thế giới mới. Những kết cấu tư tưởng và tuyên truyền tinh vi bây giờ đã không còn được coi trọng. Thay vào đó là bạo lực, sức ép kinh tế và tuyên truyền rầm rộ trấn áp, song hành với ngăn chặn quyền tranh luận phản biện của đối thủ dưới cái cớ họ “phát tán tin giả”.
Phần thứ hai trong báo cáo là “phần Nga”, dành nói về Nga, và cũng tràn đầy những chỉ trích vô căn cứ và cáo buộc phi lý. Những tuyên bố chống Nga chủ yếu gắn với sự hợp tác của Matxcơva và Bắc Kinh (tập trận chung, buôn bán vũ khí, v.v.) và ở mức độ ít hơn chút, là cố gắng sử dụng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để làm suy yếu hiệu lực của lệnh trừng phạt nhắm vào Nga “vì Ukraina”. Phần về CHDCND Triều Tiên vẫn là tuyên bố ngắn gọn của Hoa Kỳ về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và không có gì thú vị.
Trong khi đó, đáng chú ý là phần nói về “những mối đe dọa xuyên biên giới” lại nhỏ bé và không liên quan. Trong những tài liệu chiến lược trước đây, vấn đề chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, vi phạm nhân quyền, thanh lọc sắc tộc, tội phạm xuyên biên giới, bảo vệ môi trường sinh thái chiếm vị trí quan trọng, nếu không nói là vị trí trung tâm. Bây giờ dường như nội dung nhân văn này bị coi là không cần thiết: Hoa Kỳ cho rằng, giống như hàng trăm năm trước, tình hình trên thế giới được quyết định bằng cuộc đấu tranh kinh tế - chính trị và quân sự của các cường quốc. Mọi thứ khác còn lại chỉ là tiểu tiết.
Trên thực tế, chuyện ở đây nói về chiến lược đối phó với Trung Quốc. Hơn nữa, tính chất gay gắt bức thiết của cuộc đấu này được nhấn mạnh bởi thực tế là, theo báo cáo, Trung Quốc đang "phá hoại" hệ thống quốc tế. Cuộc chiến chống Trung Quốc sẽ được xây dựng theo mấy hướng. Một hướng trong đó là tăng cường hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái đó sẽ song hành với việc mở rộng cơ sở hạ tầng và tạo lập hệ thống tiên phong triển khai lực lượng Mỹ.
Hướng thứ hai sẽ là mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự và chính trị giữa Hoa Kỳ và các nước nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ lớn (Ấn Độ) đến nhỏ (Lào và Mông Cổ). Hoa Kỳ sẽ tích cực hơn nữa để thúc đẩy phát triển liên hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước này, dành hỗ trợ, tổ chức tập trận chung v.v. Trực tiếp chỉ ra yêu cầu cần thiết phải giúp đỡ một số nước, cụ thể như Lào, để những nước này thoát khỏi "sự lệ thuộc quá mức" vào CHND Trung Hoa.
Cuối cùng, hướng quan trọng thứ ba sẽ là thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực đa phương, kể cả Hoa Kỳ, cũng như tự thân các nước thực hiện với sự hỗ trợ của phía Mỹ. Trong mục tiêu thúc đẩy này bao gồm, cụ thể là những cuộc tham vấn bốn bên về an ninh của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, cũng như hàng loạt định dạng khác (Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc, v.v.).
Báo cáo về Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương có lẽ là tài liệu chiến lược đậm chất chống Trung Quốc nhất trong số tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã công bố kể từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung bốn chục năm về trước. Báo cáo thể hiện cái nhìn Mỹ về trạng thái quan hệ mới giữa các nước trong lĩnh vực an ninh và hẳn là khi thực thi sẽ có hệ quả quan trọng đối với nền chính trị khu vực và thế giới.