Sáng 11/7, kỳ họp thứ 11 HĐND Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, bước sang phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhiều đại biểu chất vấn thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, về tội phạm ma túy, công tác quản lý người nước ngoài và các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Kiểm tra vũ trường sau 0h
Đại biểu Lê Xuân Hòa bức xúc trước việc thanh thiếu niên vào các quán bar, vũ trường sử dụng ma túy, gây mất an ninh trật tự.
"Công an Đà Nẵng có xử lý trách nhiệm của trưởng công an quận, phường đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng trên không?", đại biểu Hòa đặt câu hỏi cho Giám đốc Công an Đà Nẵng.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Bá Cử đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật tại địa phương. Theo vị đại biểu này, nếu công an không đẩy mạnh công tác trinh sát, theo dõi thì tội phạm nước ngoài sẽ hoạt động mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy, tệ nạn khác.
"Tôi đề nghị Công an Đà Nẵng thông tin rõ hơn về giải pháp hạn chế tình trạng trên để người dân yên tâm", đại biểu Cử nói.
Trả lời cử tri, thiếu tướng Vũ Xuân Viên thừa nhận tội phạm ma túy đang có chiều hướng gia tăng ở Đà Nẵng. Lý do được vị lãnh đạo này giải thích là Việt Nam nằm gần khu Tam Giác Vàng.
Gần đây, một số nước trong khu vực đẩy mạnh việc trấn áp tội phạm nên những kẻ buôn ma túy chuyển địa bàn hoạt động, lợi dụng địa hình đồi núi ở nước ta để vận chuyển ma túy.
Tại Đà Nẵng, công an đã tổng ra quân kiểm tra 201 cơ sở vũ trường, quán bar, phát hiện rất nhiều người sử dụng ma túy. Qua phân loại, người sử dụng ma túy chủ yếu là giới trẻ và cư ngụ tại địa phương. Những người sử dụng ma túy có trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp ổn định.
Trước ý kiến cho rằng việc kiểm tra vũ trường, quán bar gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và du lịch, thiếu tướng Viên nói việc kiểm tra là để quản lý chứ không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư du lịch.
Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khẳng định thời gian tới công an TP sẽ tiếp tục mạnh tay đối với các vũ trường, quán bar, karaoke. Ngoài xử phạt, lực lượng chức năng sẽ thu hồi giấy phép nếu vi phạm quy định. Khi cấp phép kinh doanh ngành nghề này cũng cần xem xét kỹ về nhân thân, khu vực đặt cơ sở làm ăn.
Tiếp tay cho tội phạm
Liên quan đến việc nhiều người nước ngoài đến Đà Nẵng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tướng Viên cho biết năm 2017 có hơn 1,4 triệu lượt người nước ngoài đến Đà Nẵng du lịch và làm việc. Năm 2018 đã tăng lên 93% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số người nước ngoài đến Đà Nẵng tăng thêm 500.000 người.
Theo người đứng đầu Công an TP Đà Nẵng, lượng khách đến Đà Nẵng nhiều là khởi sắc cho kinh tế, du lịch địa phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều người nước ngoài dùng visa du lịch đến Đà Nẵng thực hiện hành vi phạm pháp, gây mất an ninh trật tự.
Đơn cử, ngày 6/6, Bộ Công an cùng Công an Đà Nẵng đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm cho người Trung Quốc thuê để lưu trú và kinh doanh tại quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.
Cảnh sát phát hiện 35 người Trung Quốc (trong đó có 4 nữ) sử dụng Internet để tổ chức đánh bạc qua mạng. Những người này khai đã sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng, rồi chia ra nhiều nhóm nhỏ thuê địa điểm lưu trú để tổ chức đánh bạc qua mạng.
Ông Viên cho biết qua những vụ việc trên đã phát hiện có tình trạng một số người tiếp tay cho tội phạm Trung Quốc. Một số cá nhân đã ham lợi trước mắt, đứng tên thuê nơi ở, đăng ký kinh doanh, làm tạm trú cho các nhóm người Trung Quốc tổ chức đánh bạc trên địa bàn.
Giám đốc Công an Đà Nẵng nhận định công tác quản lý người nước ngoài ở địa phương còn nhiều sơ hở. Ông hứa với các đại biểu là sẽ chỉ đạo công an quận, huyện triển khai các biện pháp nghiệp vụ để hạn chế tình trạng người nước ngoài đến Đà Nẵng phạm tội.