Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) công bố vào thứ Sáu.
"Từ tháng Năm, Việt Nam đã đơn phương bắt đầu công việc tìm kiếm dầu ở khu vực Quần đảo Nansha (Trường Sa) của Trung Quốc", bà nói trong một cuộc báo định kỳ "Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam thực hiện các biện pháp để bình thường hóa tình hình".
Theo nhà ngoại giao, chính quyền Trung Quốc đang liên lạc với Hà Nội để giải quyết vấn đề này.
Ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Hôm qua 25/07, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị xác định vị trí lô 06-1 gần bãi Tư Chính và giàn khoan DK1 mà Việt Nam đang khai thác nhưng bị nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc gây hấn, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Lô 06-1 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông được xác lập tại UNCLOS 1982 bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong những ngày qua đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Hôm 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo với tiêu đề "Sự áp bức của Trung Quốc với hoạt động dầu khí trên Biển Đông", bày tỏ quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Mỹ "kiên quyết phản đối hành vi cưỡng chế và đe dọa từ bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ cũng như hàng hải của mình" và yêu cầu Trung Quốc "kiềm chế tham gia vào những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn".
Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.