Vụ nhóm tàu Haiyang Dizhi 8: Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế?

Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là đã và đang rất khôn khéo khi giải quyết vấn đề đối với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 để đảm bảo cân bằng quan hệ với các nước lớn trong mọi vấn đề ở Biển Đông. Đồng thời, cũng nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài thường trực (PCA), và cả Toà án Công lý Quốc tế (ICJ).
Sputnik

Tranh chấp ở Biển Đông đang nóng lên sau vụ Trung Quốc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào thăm dò khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), cũng như thềm lục địa của Việt Nam. Vậy, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc không? Khả năng này cũng đã được tính đến và không loại trừ. Theo nhiều chuyên gia, việc Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện, bởi vì Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chiến thắng đó sẽ mang lại điều gì? Lợi hay hại sẽ nhiều hơn?

Kiện ra tòa PCA hay ICJ? Có cần không?

Chúng ta biết rõ, đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn tuyên bố về chủ quyền đối với "Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo lân cận", và phương hướng giải quyết là "Đa phương hóa quan hệ" và "Quốc tế hóa vấn đề tranh chấp".

Thực thế, vấn đề Biển Đông là việc tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ. Đó là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Vì thế, đây hoàn toàn không phải là vấn đề "song phương", mà là vấn đề "đa phương". Bất kỳ quốc gia nào trong 6 quốc gia nêu tên cũng sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích và "chủ quyền" ở Biển Đông. Cho nên, mọi cuộc kiện ra Tòa quốc tế (Tòa án trọng tài thường trực (PCA) hay Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), thì đều sẽ không bao giờ được 6 quốc gia liên quan công nhận. Điều đó là chắc chắn và hiển nhiên, bởi vì bất kỳ phán quyết nào cũng bất lợi cho những quốc gia còn lại.

“Hơn nữa, phán quyết của Tòa án nhưng lại không có "thiết chế" ép buộc chấp hành như các Tòa quốc nội và cũng chả có cơ quan chấp pháp thực thi! Vì thế, có kiện ra Tòa PCA hay ICJ thì cũng thế thôi, 5 nước còn lại chắc chắn không trả đảo, không trả biển cho Việt Nam”, - Một  bình luận viên về những vấn đề quốc tế bút danh “Bão Lửa” nói với Sputnik.

Kinh nghiệm của Philippines: Kiện ra tòa PCA không có ích gì

Hơn nữa, kinh nghiệm của Philippines cách đây 3 năm cho thấy rằng, kiện ra tòa PCA không có ích gì, vì phán quyết của Tòa này chỉ mang tính khuyến cáo và giải thích luật (tương tự như mấy cán bộ hòa giải thuyết phục đôi bên tuân thủ luật), không có chế tài kèm theo để buộc bị đơn phải thi hành. 

Vụ nhóm tàu Haiyang Dizhi 8: Trung Quốc “ném đá dò đường”, Việt Nam khôn khéo giải quyết

“Về việc Philippines kiện Trung Quốc, thực chất đứng sau lưng Philippines xúi giục chính là Mỹ. Mỹ đã hứa hẹn với Philippines về việc tăng cường hỗ trợ quân sự, nâng cao khả năng chiến đấu cho quân đội Philippines. Những điều đó đã được cụ thể hóa trong Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Philippines đạt được vào năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi Philippines thắng kiện thì sao? Mỹ đã chả có gì giúp đỡ Philippines ngoài việc mở rộng căn cứ quân sự Mỹ tại Phil. Lúc này Philippines nhận ra đã trúng kế của Mỹ: Mỹ muốn thông qua việc Philippines kiện Trung Quốc và bị Trung Quốc đánh đòn kinh tế (kéo dài thời gian kiện cáo, giảm đầu tư, liên doanh, tăng cường gây rối ở biển Philippines) để khiến Philippines ngày càng yếu dần yếu mòn kết quả là buộc phải nhờ Mỹ can thiệp quân sự, từ đó tạo điều kiện giúp Quân đội Mỹ quay lại Biển Đông! 

Thử nhìn xem từ sau khi Philippines thắng kiện đến nay có khi nào Philippines dùng cái Phán quyết PCA để phản bác Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không? Đó cũng là nguyên do vì sao Mỹ lần này đến lần khác và bây giờ là Bãi Tư Chính vẫn đứng sau xúi giục Việt Nam kiện Trung Quốc, nhất là lần này lại hợp mưu với Trung Quốc”, - Bình luận viên về những vấn đề quốc tế bút danh “Bão Lửa” phát biểu quan điểm của mình với Sputnik.

Khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa hình sự rất khó

Ngay cả khả năng Việt Nam khởi kiện ra Tòa hình sự nếu sự việc nghiêm trọng hơn nhưng cũng rất khó, vì chứng minh vi phạm của đối phương đến mức độ hình sự thì phải có bằng chứng chứng tỏ sự nghiêm trọng đó. Tuy nhiên, kể cả vụ HD-981, vụ tàu cá Trung Quốc cắt cáp khảo sát địa chấn của Việt Nam tại EEZ thuộc chủ quyền của Việt Nam, đều không đủ mức độ để quy trách nhiệm hình sự.

“Về việc "thi hành án" thì chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là có thể thi hành các phán quyết của Tòa hình sự quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, có quyền bỏ phiếu phủ quyết bất cứ một nghị quyết nào của Hội đồng bảo an. Vì thế, khả năng khởi kiện đem lại hiệu quả trên thực tế gần như bằng không”, - Chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Việt Nam không để bị sa lầy vào bất kỳ cái bẫy nào

Hơn nữa, một khi đã đưa nhau ra tòa hình sự quốc tế thì hai bên dường như đã "cạch mặt nhau". Mọi quan hệ từ kinh tế đến chính trị, ngoại giao, văn hóa xã hội sẽ đổ vỡ. Đối tác biến thành đối thủ. Mâu thuẫn Việt-Trung sẽ gia tăng nghiêm trọng và trở thành mồi ngon cho các nước khác lợi dụng. Trong đó có Mỹ. Đó là điều không ai mong muốn, kể cả phía Trung Quốc cũng vậy. Một khi vẫn còn khả năng đối thoại để tháo gỡ mâu thuẫn, va chạm, dù là nhỏ thì Việt Nam sẽ cố gắng tận dụng tối đa những khả năng đó.

Philippines cần "sự giúp đỡ" của Việt Nam?

“Việt Nam thực hiện chính sách rất khôn ngoan, không để bị sa lầy vào bất kỳ cái bẫy nào của bất kỳ nước nào giăng ra. Chính quyền Việt Nam không muốn thổi phồng một vụ bê bối quốc tế, mà chủ trương giải quyết xung đột ở cấp Đảng, trong các cuộc đàm phán khép kín và nửa kín, để giải thích với Trung Quốc về những hành vi sai trái của họ, điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều. Trong tình hình hiện nay, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gia tăng, Trung Quốc cần đến các đồng minh, cần đến sự hỗ trợ chứ không phải sự đối đầu. Bây giờ trong ban lãnh đạo Việt Nam các lực lượng thân Việt Nam chứ không phải thân Mỹ hoặc thân Trung Quốc đang giành phần thắng. 

Việt Nam không muốn xung đột với Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Việt Nam hiện nay, bởi ảnh hưởng kinh tế sẽ làm giảm khả năng chiến đấu trên mọi mặt trận và rất khó để khôi phục trong thời kỳ các cuộc suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại xảy ra như cơm bữa. Chính quyền Việt Nam cũng hiểu rằng, cuộc xung đột như vậy sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-Trung mà Nga thì là bạn tốt của Việt Nam, nếu ép quá thì mối quan hệ Việt-Nga cũng sẽ ảnh hưởng. Bây giờ lợi ích quốc gia của Việt Nam là không phá hỏng quan hệ với Trung Quốc, với Nga và không hoàn toàn chạy theo Mỹ”, - Bình luận viên về những vấn đề quốc tế bút danh “Bão Lửa” bình luận với Sputnik.

Vậy, với Việt Nam, việc kiện Trung Quốc hiện nay không mang lại hiệu quả và lợi ích. Nếu các quốc gia khác ủng hộ và có tuyên bố công nhận chủ quyền của Việt nam tại Biển Đông, thì điều đó còn có ý  nghĩa và giá trị hơn nhiều lần cái phán quyết của các Tòa án quốc tế nói trên. Một lần nữa, trong tình hình diễn biến hiện nay tại Biển Đông, phản ứng và hành động của Việt Nam đang thể hiện kỹ năng duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các cường quốc, một cách rất khôn ngoan.

"Việt Nam hiểu rằng, những lời phát biểu chống Trung Quốc sẽ tiếp tay cho Hoa Kỳ, mà Washington thì tự coi Hà Nội là đồng minh chính của họ chống lại Trung Quốc ở Đông Nam Á", - Dmitry Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét.

Thảo luận