Trong bài phát biểu tại Trường Luật Ateneo de Manila ngày 14-7, Phó Chánh án Tòa Tối cao Antonio Carpio đã lên tiếng kêu gọi Philippines hãy từ bỏ tâm thế chủ bại và đừng chịu khuất phục trước sức ép của Trung Quốc trong nỗ lực thực thi chủ quyền ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.
Ông nhấn mạnh chính quyền Manila phải có trách nhiệm về việc này.
"Chúng ta không thể cứ chỉ trích sự thiếu vắng các cơ chế đảm bảo thực thi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Chúng ta không thể có thái độ chủ bại để rồi ngồi không và nhìn Trung Quốc chiếm lấy khu vực mà luật pháp quốc tế đã quy định là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta", trang Rappler dẫn lời ông Carpio phát biểu.
Các phát ngôn của vị Phó Chánh án Toà án Tối cao được cho là nhằm đáp lại ý kiến của Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định phải tiến hành chiến tranh mới thực thi được phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA).
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn ngày 27-6, ông Duterte đã thách ông Carpio tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
"Hãy chỉ cách cho tôi khi mà ông Tập Cận Bình đã nói rằng 'sẽ có rắc rối'. Ông thẩm phán, hãy cho tôi cách thức và tôi sẽ làm theo", chủ nhân Điện Malacanang tuyên bố.
"Câu trả lời của tôi là có, thưa Tổng thống, không chỉ một mà là nhiều cách để thực thi phán quyết của PCA mà không cần phải chiến tranh với Trung Quốc, chỉ cần bám theo những gì luật pháp quy định ", Thẩm phán Carpio trả lời.
Theo Rappler, ông Carpio đề ra sáu cách để chính quyền Philippines thực thi phán quyết 2016.
Tham gia công ước chung với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei
Ông Carpio dẫn phán quyết của PCA khẳng định không thực thể nào trong 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế. Nếu một công ước về nội dung này của phán quyết được thông qua, thì các tuyên bố của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế ở các thực thể nước này chiếm đóng tại Trường Sa sẽ hoàn toàn bị bác bỏ.
"Các quốc gia khác trong khu vực ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không có thể tham gia một công ước tương tự", ông nói thêm.
Triển khai hoạt động của các tàu tuần tra trên biển Đông
Ông Carpio cho rằng các tàu tuần tra đa chức năng này sẽ giúp ngăn chặn những các tàu cá đánh bắt trộm từ các quốc gia khác.
Ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Canada ở Biển Đông
Thẩm phán Carpio đánh giá các chiến dịch này là những nỗ lực thực thi phán quyết của PCA "đáng kể nhất" kể từ chiến thắng pháp lý của Philippines năm 2016.
Cử Hải quân Philippines tham gia FONOP
Ông Carpio cho rằng sự hiện diện của Hải quân Philippines trong các FONOP sẽ giúp khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của nước này cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
Mời các quốc gia có tranh chấp như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei cùng tiến hành FONOP ở Biển Đông
Theo Thẩm phán, việc cả năm nước này cùng tiến hành FONOP sẽ góp phần khẳng định phán quyết của PCA rằng yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh không có giá trị về mặt pháp lý.
Ủng hộ các nỗ lực tư nhân thực thi phán quyết
Ông Carpio đề cập đơn kiện hôm 15-3 của cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales.
Theo đó, hai người này khởi kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở Hà Lan về các hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.