Việt Nam cam kết chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Việt Nam không coi năng lượng nguyên tử, hạt nhân là vũ khí nguy hiểm phục vụ chiến tranh. Chính phủ nước này vẫn đang thúc đẩy nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng nguồn tài nguyên hữu ích vì mục đích hòa bình.
Sputnik

Năng lượng hạt nhân vì hòa bình

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (VINANST-13) từ ngày 7-9/8. Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia, góp ý, thảo luận về ứng dụng công nghệ hạt nhân, công bố nghiên cứu mới về lĩnh vực này tại Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Hòa Hiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, kiêm trưởng ban tổ chức Hội nghị, Trần Chí Thành.

Đập Thủy điện Hòa Bình chịu được 4 quả bom nguyên tử, an toàn gần như tuyệt đối?

Đáng chú ý, còn nhiều nhà khoa học, đại diện quốc tế tham dự Hội thảo lần này. Bà Jane Gerado Abaya- Giám đốc Phòng Hợp tác kỹ thuật khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Sogaud và đại diện Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, bà Nina Palmer.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu mở đầu Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của năng lượng nguyên tử nói chung và vị trí của tài nguyên này ở Việt Nam. Chính phủ luôn cam kết chỉ sử dụng vào mục đích hòa bình, dù năng lương nguyên tử đóng vai trò rất lớn với nhiều quốc gia khác, vừa là công cụ ứng dụng khoa học, đồng thời cũng là thứ vũ khí nguy hiểm.

“Trước đây, khi điều kiện kinh tế của Việt Nam còn khó khăn, Việt Nam biết ơn các nước phát triển, đặc biệt là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển KH&CN hạt nhân. Ngày nay, kinh tế của Việt Nam đã phát triển nhanh, GDP tăng trung bình 6-7%/năm, trong đó có sự đóng góp rất hữu dụng của NLNT. Nhờ sự hỗ trợ của IAEA cũng như của các nước phát triển mà Việt Nam đã ứng dụng thành công KH&CN hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, hạt nhân, môi trường, công nghiệp” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay.

Đại diện bộ KH&CN khẳng định, hội nghị là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu về các vấn đề hạt nhân nguyên tử cho Việt Nam. Đồng thời, qua đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về những vấn đề mang cấu trúc vi mô nhưng lợi ích mang lại cho dân tộc và đất nước là vô cùng lớn.

Ứng dụng thành tựu công nghệ hạt nhân ở Việt Nam

Trên thực tế, Việt Nam đã ứng dụng thành công khoa học công nghệ hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, môi trường, công nghiệp với nhiều kết quả tích cực, góp phần vào mức tăng trưởng GDP trung bình 6-7% hàng năm.

Đại diện Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, bà Nina Palmer nhấn mạnh Mỹ luôn coi trọng năng lượng hạt nhân với sứ mệnh thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên này đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng của Hoa Kỳ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thảm họa Fukushima không đặt dấu chấm hết kỷ nguyên năng lượng nguyên tử

“Chúng tôi coi đây là vấn đề mang tính ưu tiên phát triển hệ thống lò phản ứng, cũng như cơ sở hạ tầng hạt nhân, qua đó đáp ứng những vấn đề vượt qua rào cản về chi phí, kỹ thuật, yêu cầu về an toàn, bảo an, bảo mật”, bà phát biểu.

Bà Palmer giới thiệu về Văn phòng Năng lượng hạt nhân OENE của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của năng lượng hạt nhân đối với việc phát triển và duy trì ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực y tế, hiệu quả chấn đoán, điều trị ung thư và nhiều bệnh hiểm nghèo tăng rõ rệt nhờ ứng dụng bức xạ ion hóa. GS. Mai Trọng Khoa, Bệnh Viện Bạch Mai trình bày về vấn đề này một cách cụ thể. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xa ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Có hàng chục ngàn bệnh nhân nhận được phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn, với chi phí điều trị hợp lý nhờ ứng dụng thành tựu từ công nghệ hạt nhân ở Việt Nam.

Phải kể đến những thành tựu khác ở lĩnh vực nông nghiệp khi hàng ngàn giống cây trồng được biến đổi gen nhờ đột biến phóng xạ (90%) cho năng suất cao, gạo ngon, sạch sâu bệnh. Nhiều ngành khác cũng ứng dụng rộng rãi công nghệ bức xạ hạt nhân.

An toàn năng lượng hạt nhân phải được quan tâm

Trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý hạt nhân, GS.Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân VINATOM trình bày về “Phản ứng nhiệt hạch, bắt giữ neutron phát xạ, sao neutron và nguồn gốc của các nguyên tố”. GS. Peter Egelhof đến từ GSI, Darmstadt, Đức trình bày về “Cấu trúc của các hạt nhân lạ thông qua phản ứng trực tiếp: Các nghiên cứu với chùm tia phóng xạ được lưu giữ và với bia hoạt”.

Việt Nam có thể trở thành khu vực hợp tác của các nhà khoa học nguyên tử Nga và Nhật Bản

Một nhà khoa học của Việt Nam là Thạc sĩ Nguyễn Kiên Cường thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đề cập các kết quả thu được, tính toán khái niệm mới nhất về nowtron cho lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu thông lượng cao, phục vụ Dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân mới trong tương lai của Việt Nam.

Chuyên gia Thụy Điển có báo cáo khoa học về Lý thuyết nhiễu neutron và ứng dụng trong an toàn, chấn đoán nhiễu trong lò phản ứng nghiên cứu và năng lượng (GS. Imre Pázsit đến từ ĐH Công nghệ Chalmers). GS Masaki Saito của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu trong hoạt động đào tạo an toàn và an ninh hạt nhân toàn cầu, cùng những kết quả khả quan sau quá trình khắc phục hậu quả môi trường và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Ban tổ chức của VINANST-13 đã chọn được 243 báo cáo, trong đó có 166 báo cáo được trình bày (Oral presentations) tại các Tiểu ban chuyên môn và 77 báo cáo dán bảng (Posters).

VINANST là Hội nghị thường niên được tổ chức 2 năm một lần kể từ năm 1996. Đây là điểm gặp gỡ trao đổi của đại diện các tổ chức khoa học quốc tế, công nghệ, giáo dục đào tạo trong và ngoài nước cùng nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến từ Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên bang Nga, Philippines, Singapore, Thái Lan, Morocco.

Thảo luận