Tàu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines
Việc tàu chiến Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ( 2 tàu vào tháng 7 và 3 tàu vào tháng 8 vừa qua) chính là tiền đề để Bộ ngoại giao nước này trao công hàm phản đối những hoạt động trái phép mà Bắc Kinh đang tiến hành trên vùng EEZ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc trao công hàm ngoại giao này dường như chưa phải là chiến thuật hiệu quả để đối phó với Bắc Kinh.
Malacañang bày tỏ lo ngại về việc tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu mà không hề thông báo hay có sự cho phép, đồng thuận từ chính phủ Philippines.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo đánh giá về hành vi của phía Trung Quốc, khẳng định đây chắc chắn không phải là điều mà “một người bạn thực sự nên làm”.
“Chính phủ Philippines bày tỏ quan ngại với hàng loạt sự cố vừa qua. Trung Quốc cứ nói chúng tôi là bạn bè, nhưng tôi không nghĩ đây là một hành động thể hiện tình bạn”, ông Panelo phát biểu hôm thứ Năm, ngày 15 tháng 8, trong cuộc một họp báo chính phủ.
Ông lặp lại nghi vấn của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Delfin Lorenzana, người trước đây thẳng thắn lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh "chiếm lấy" bãi cạn Panatag (Scarborough) là hành vi "bắt nạt".
“Đối với những tuyên bố của Bộ trưởng Lorenzana, nói rằng, việc Trung Quốc đuổi ngư dân chúng tôi ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của vị tướng này khi ông khẳng định đó là thói o ép, bắt nạt”, Panelo nói.
Lực lượng vũ trang Philippines cũng cho là “cố tình làm ngơ” việc tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu mà hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của nước này bỗng dưng bị ngắt.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết ông có thể nêu vấn đề về tàu chiến với Đại sứ Trung Quốc Zhao Jianhua.
Ông Panelo nói, gần đây đã mời vị Đại sứ đến dự “bữa tối công vụ”.
Nhưng đồng thời, Panelo không thể đưa ra bất kỳ kế hoạch thay thế nào của chính phủ Philippines nhằm ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền hàng hải quốc tế ở vùng biển Philippines.
Ông chỉ cảnh báo hành động bất thường của nhóm tàu Trung Quốc sẽ buộc Manila và Bộ Ngoại giao (DFA) phải gửi công hàm phản đối.
Trong khi đó, giới phê bình thì tin rằng, công hàm ngoại giao, hay đối thoại hòa bình kiểu này là không hiệu quả trong cuộc chiến “chống lại sự xâm lược của Trung Quốc” ở vùng biển phía Tây Philippines.
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, đề xuất nhiều phương thức cứng rắn hơn để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Philippines trên vùng biển tranh chấp - bao gồm cả việc tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong phán quyết lịch sử của Tòa án Hague về Biển Đông.
Ông Duterte có kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 để thảo luận về vấn đề tranh chấp trên khu vực vùng biển phía Tây Philippines với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy vậy, Phát ngôn viên Panelo không đưa ra lịch trình chính xác nào cho chuyến đi này.