Biển Đông

Vụ Bãi Tư Chính: Mỹ sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông?

Tướng Mỹ thăm Hà Nội giữa lúc Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi liên tục điều nhóm tàu Hải Dương 8 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.
Sputnik

Bình luận về hoạt động phi pháp của tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng nhiều diễn biến căng thẳng mới đây trên Biển Đông, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein khẳng định Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam nhằm tự vệ và phòng vệ chính đáng.

Mỹ tôn trọng chủ quyền và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam

Ngày 18/8, Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Brown Jr, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương đã có chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội.

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu quay lại, xâm phạm chủ quyền biển đảo

Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày 18 và 19/8, lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Không quân Mỹ đã gặp gỡ phát biểu trước báo chí về tình hình Biển Đông và vấn đề hợp tác quân sự quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.

Lần đầu tiên Việt Nam đón Tham mưu trưởng Không quân Mỹ kể từ thời điểm chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1975.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, hai vị tướng Mỹ đều bày tỏ quan điểm thẳng thắn của mình về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là hành động ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khi nhóm tàu Hải Dương 8 của nước này liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Hoa Kỳ về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này trên Biển Đông cũng như nhắc lại hàng loạt tuyên bố trước đó của lãnh đạo ngành ngoại giao về “thói hung hăng”, gây căng thẳng cho khu vực của Trung Quốc:

“Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực”, tướng David Goldfein phát biểu. Theo đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ hoạt động của Trung Quốc khi xâm phạm chủ quyền các nước láng giềng, có chung lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Mỹ muốn đảm bảo tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận vùng biển và không phận quốc tế. Khi các nước tuân thủ nguyên tắc chung sẽ đi đến đồng thuận, thống nhất và ngày càng thịnh vượng. Phát ngôn này ám chỉ, Bắc Kinh cũng không phải ngoại lệ.

Bình luận về việc Trung Quốc liên tục đã 2 lần trong một tháng điều tàu trở lại vùng đặc quyền kinh tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Tham mưu trưởng David Goldfein khẳng định:

“Trước hết Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam. Chúng tôi sẽ quan sát chặt chẽ các diễn biến để sẵn sàng hợp tác với Việt Nam”.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò chuyến thăm và mong muốn nhìn thấy một Hà Nội thịnh vượng, đóng góp nhiều hơn vào ổn định của khu vực.

“Một lần nữa, sự hiện diện của chúng tôi ở đây là một thông điệp cho cam kết về mối quan hệ gắn bó giữa hai nước”.

Tàu Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Về phần mình, Đại tướng Brown tuyên bố, Mỹ quan sát rất kỹ nhất cử nhất động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Có thể thấy, qua những diễn biến gần đây, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại những gì mình đã cam kết trước cộng đồng quốc tế, khác xa mục tiêu mà Washington hướng đến đó chính là giữ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở và tự do.

Theo quan điểm của Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở khu vực này, hành động của Trung Quốc tác động rất lớn và gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Xuyên suốt cuộc họp báo, hai vị tướng Mỹ đều đồng loạt lên án phản đối hành động đối ngược với nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

“Đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tất cả các quốc gia có thể tiếp cận khu vực biển cũng như không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, để tất cả các nước đều được hưởng lợi ích chung”, ông Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ khẳng định.

Đồng ý với quan điểm này, Đại tướng Brown cũng nhấn mạnh phần quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ là đảm bảo một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở, tự do:

“Một trong những phần quan trọng đảm bảo việc này là làm sao duy trì vận hành tàu thuyền, máy bay trong bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước khác trong các hoạt động ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Brown cho biết.

Về mưu đồ của Trung Quốc khi thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), ông Brown cho biết, nếu thực tế này xảy ra, Bắc Kinh đã không tuân thủ trật tự và nguyên tắc luật pháp của quốc tế. Việc áp đặt ADIZ làm tăng thêm căng thẳng tại khu vực vốn nhạy cảm trên Biển Đông, gây ảnh hưởng đến quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khu vực Đông Nam Á.

“Với tư cách một phi công đã có hoạt động trên máy bay bay qua khu vực trên không ở Biển Đông, tôi biết rằng Trung Quốc không thích máy bay, không quân của các nước bay qua khu vực này (dựa trên những cuộc gọi đàm thoại qua radio của chúng tôi với Trung Quốc), song chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động này. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ tiếp tục cho tàu thuyền vận hành ở khu vực trên biển cũng như trên không để chứng tỏ thông điệp là chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này ở khu vực”, tướng Brown khẳng định.

Mỹ làm gì để hỗ trợ Việt Nam trên Biển Đông?

Báo giới đặt khá nhiều câu hỏi về chính sách hành động của Mỹ tại khu vực trước thói hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, gây bất ổn và căng thẳng leo thang trên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Đặc biệt là động thái điều nhóm tàu Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể tấn công và đánh chiếm những thực thể hiện không thuộc quyền kiểm soát của bất cứ quốc gia nào theo luật quốc tế.

Tàu Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Phát biểu về vấn đề này, Tham mưu trưởng Không Quân Mỹ bày tỏ:

“Với tư cách tư lệnh không quân Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những phương án để các lãnh đạo đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Những hướng đi có thể đệ trình, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam, cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông”.

Hai vị tướng 4 sao của Hoa Kỳ đều nhắc lại cam kết của Mỹ nhằm xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, ông Goldfein tiết lộ Việt Nam là chặng dừng vô cùng quan trọng của ông trong lịch trình công tác năm nay với nhiều lý do chủ quan và khách quan, công việc chuyên môn lẫn quan hệ cá nhân.

“Tôi rất tự hào vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi đến đây để thăm một đối tác rất quan trọng và có nhiều lợi ích cũng như mối quan tâm của chúng tôi. Sự hiện diện của hai Đại tướng Không quân Mỹ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung”.

Vị tướng Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh đến thông điệp của Tổng thống Donald Trump, ngoại trưởng Mike Pompeo về mong muốn thấy một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng.

Chuyến thăm Hà Nội lần này vô cùng có ý nghĩa với cá nhân hai vị tướng David Goldfein và Charles Brown Jr vì trước đây cha của họ đều từng là quân nhân, phục vụ trong quân đội Mỹ và đều từng tham chiến tại Việt Nam trong cuộc chiến khốc liệt.

Tham mưu trưởng không quân Mỹ cho hay, việc quan trọng nhất là xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác vững chắc, bền chặt, cả hai bên cùng có lợi với Việt Nam:

Mỹ điều tàu chiến, quyết không để Trung Quốc “tự tung tự tác” ở Biển Đông

“Chúng tôi muốn đề cập đến việc xây dựng nhận thức trong khu vực không chỉ về mặt hàng hải mà còn là hàng không. Chỉ có nhận thức đúng đắn, hiểu rõ những khó khăn thách thức phải đối mặt trong một khu vực thì mới có cách ứng phó tốt nhất”, tướng Hoa Kỳ khẳng định.

Về xử lý hậu quả chiến tranh, ông Goldfein cũng nhắc lại cam kết của Mỹ nỗ lực giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này. Đồng thời, Hoa Kỳ có tể giúp đào tạo, nâng cao kỹ năng trình độ cho sĩ quan Việt Nam.

“Chúng tôi hoan nghênh và mong muốn chào đón thêm sĩ các quan trẻ từ Việt Nam tới các trường quân sự, học viện không quân ở để học tập và đào tạo”, Đại tướng Goldfein cho biết.

Quân đội Mỹ cam kết duy trì hiện diện quân sự, tuần tra trên Biển Đông

Trả lời báo chí Philippines trong chuyến thăm Manila ngày 16/8 vừa qua, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, ông David Goldfein tái khẳng định cam kết của Washington ở Biển Đông và toàn bộ khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

“Mỹ không ngừng duy trì sự sẵn sàng và khả năng điều chiến hạm hoặc máy bay tuần tra tại bất cứ khu vực hoặc bất cứ thời điểm nào chúng tôi cần”, ông Goldfein tuyên bố.

Chuẩn đô đốc Karl Thomas, chỉ huy nhóm tác chiến 70 của tàu sân bay USS Ronald Reagan, ngày 9/8 vừa qua, cũng khẳng định “hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông để đảm bảo an ninh và tự do hàng hải”.

Bị chỉ trích dữ dội, Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển Việt Nam?
Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus:

“Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực”.

Đáng chú ý, việc điều nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc  tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đang can thiệp trực tiếp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ, khí đốt mà Hà Nội đã tiến hành từ lâu, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.

Tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8) lần đầu tiên vào khu vực biển tranh chấp dưới sự hộ tống của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc vào tháng 7 nhằm thực hiện cuộc khảo sát địa chấn tại các vùng biển. Đến ngày 7/8, tàu thăm dò địa chất này đã rời Bãi Tư Chính đến cảng Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập) sau hơn một tháng căng thẳng diễn ra giữa các bên liên quan.

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.

Thảo luận