Đây cũng là hoạt động nằm trong cuộc tuần tra thông thường của Hải quân Mỹ.
Mỹ gửi tàu quân sự đến Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc
Việc Mỹ quyết định điều tàu sân bay đến Biển Đông được xem là một mũi tên trúng nhiều đích: vừa nhấn mạnh chính sách tự do hàng hải, vừa để thể hiện cam kết “Mỹ sẽ bảo vệ Philippines” trong trường hợp có xung đột, đồng thời đây chính là sự “răn đe” Trung Quốc, khi khu vực Biển Đông đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi Bắc Kinh gia tăng hoạt động quân sự trên vùng biển này.
Được biết, USS Ronald Reagan là tàu sân bay duy nhất được Hải quân Mỹ gửi đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đài ABS-CBN cho hay, ngày 5/8 nhóm tàu đã tiến vào vùng biển phía đông Philippines. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tàu chiến Mỹ sẽ có kế hoạch mở cửa đón khách tham quan như cử chỉ thân thiện giúp tăng tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
“Chúng tôi muốn mọi người thấy con tàu lợi hại đến mức nào. Tàu đại diện cho sức chiến đấu của Mỹ. Chúng tôi muốn những ai có ý định thách thức Mỹ phải nhận thấy rõ chúng tôi rất lợi hại, đã sẵn sàng và phong độ thuyết phục”, Chuẩn đô đốc Patrick Piercy năm 2015 nói về tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Tàu sân bay lớp Nimitz là một lớp mười tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động trong Hải quân Hoa Kỳ. Nhờ sử dụng năng lượng hạt nhân, những tàu này có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 20 năm mà không cần phải nạp nhiên liệu, và dự tính sẽ phục vụ trong 50 năm. Đáng chú ý, tàu có thể mang gần 100 tiêm kích chiến đấu với khả năng tác chiến điện tử và chống tàu ngầm nguy hiểm của kẻ thù. Hiện Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay lớp Nimitz.
Chuyến thăm của USS Ronald Reagan đến Philippines trùng khớp với thời điểm ông Duterte tuyên bố sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8.
Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng khi Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1992) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Nhiều nước đã lên tiếng phản đối “thói hung hăng” của Trung Quốc.
Mỹ đang “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông?
Trong cuộc họp báo ở Sydney hôm 4.8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo về những hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi tin chắc rằng không có quốc gia nào có thể kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực. Chúng tôi cũng kiên định chống lại kiểu hành vi hung hăng, gây bất ổn từ Trung Quốc”, ông Esper nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ Eliot L.Engel và 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện đều lần lượt lên án hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc:
“Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”, ông Engel khẳng định.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, từ trao công hàm ngoại giao phản đối, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành vi xâm phạm chủ quyền, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp ổn định giữa hai nước.
Mỹ quyết đặt tên lửa ở châu Á nhằm đối phó Trung Quốc?
Washington vừa công bố kế hoạch tham vọng khi nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ triển khai loạt tên lửa tầm trung tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Cả Trung Quốc và đồng minh của Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về kế hoạch này.
Trong khi Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper, hôm thứ Bảy khẳng định ủng hộ việc sớm triển khai tên lửa tầm trung, phóng từ mặt đất trong khu vực châu Á. Mọi công việc có thể sẽ được thực hiện ngay trong vòng vài tháng tới thì Bắc Kinh coi đây là động thái nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ không ngồi yên và sẵn sàng có biện pháp đáp trả nếu Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí (Vụ Quân khống) thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông (Fu Cong) tuyên bố trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, nhiều khả năng tên lửa Mỹ sẽ không đặt ở Canberra. Cả Australia và Mỹ đã tiến hành đối thoại chung vào cuối tuần qua, hai bên đều lên án mạnh mẽ hoạt động quân sự trái phép của Trung Quốc tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hai nước đều bày tỏ lo ngại trước mức độ gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.
Các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Á. Và nhiều người đồn đoán, có thể Mỹ sẽ điều động tên lửa đến lãnh thổ của Úc.
Tuy nhiên Thủ tướng nước này, ông Morrison đã trấn an dư luận và khẳng định rằng phía Hoa Kỳ không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào như thế, đồng thời kể cả khi được yêu cầu trợ giúp, Australia cũng có quyền từ chối.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, bà Linda Reynolds cũng tiết lộ hiện chưa rõ Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm trung theo kế hoạch của họ ở đâu.
Bà thẳng thắn thừa nhận không có bất cứ yêu cầu nào như vậy từ phía ông Esper.
"Tôi đã hỏi trực tiếp ông ấy ‘liệu có yêu cầu nào như vậy không?’, ông ấy nói ‘Không’, bà Reynolds chia sẻ lại cuộc trao đổi giữa bà và người đồng cấp Mỹ với Đài ABC của Úc.
Căng thẳng gia tăng thời gian gần đây giữa Washington và Bắc Kinh trên cả phương diện kinh tế và quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Trong khi Trung Quốc vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự trái phép trên Biển Đông, thì chính quyền của Tổng thống Trump cũng có động thái quyết đoán, không để Bắc Kinh “muốn làm gì thì làm” ở vùng biển tranh chấp và mang nhiều lợi ích kinh tế cho các bên.