Nhà máy trực thăng Rostvertol (Rostov-na-Donu) chuyên sản xuất trực thăng chiến đấu và vận tải. Tại đây, ra đời các máy bay chở hàng khổng lồ Mi-26, trực thăng tấn công, vận chuyển Mi-24 và Mi-35, cũng như «tổ hợp tấn công từ trên không» Mi-28N “Thợ săn đêm” - một loạt các phiên bản, kể cả để xuất khẩu. Trong dòng máy bay trực thăng của nhà máy Rostvertol tại Triển lãm Hàng không-Vũ trụ Quốc tế MAKS-2019, được tổ chức tại Zhukovsky (ngoại ô Moskva), sân bay của Viện nghiên cứu chuyến bay Gromov, đã giới thiệu Mi-24P - phiên bản "Cá sấu" nổi tiếng dành cho xuất khẩu.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik, nhà thiết kế chính của nhà máy Rostvertol, ông Alexander Lototsky cho biết:
«Trực thăng Mi-24P có thể được coi là một cỗ máy mới về cơ bản. Nhà máy đã sản xuất dòng này từ lâu và được biết đến trên thị trường quốc tế như một trong những trực thăng chiến đấu đáng tin cậy nhất, thực sự đã chứng minh hiệu quả chiến đấu. Trong một thời gian, máy bay đã dừng sản xuất, nhà máy tập trung vào việc phát triển Mi-28N Thợ săn đêm” - chiếc trực thăng tấn công hiện đại đã đẩy «Cá sấu» lỗi thời xuống phía sau. Tuy nhiên một sự tạm ngừng sản xuất đã khiến Mi-24 có thêm lợi thế. Ngoài ra trước đó máy bay sử dụng rộng rãi các sản phẩm của Ukraina, đặc biệt là các thiết bị quân sự (quan sát, liên kết vô tuyến chỉ huy vũ khí tên lửa dẫn đường, bộ đếm lượng đạn dược đã tiêu thụ và một số cơ phận khác). Việc cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp Ukraina đã khiến không thể sản xuất tiếp tục Mi-24, trong khi thị trường nước ngoài có nhu cầu về chiếc trực thăng đáng tin cậy này. Do đó, nhà máy đã thực hiện công việc thay thế nhập khẩu và hiện đại hóa thiết bị hàng không. Việc tạm ngừng sản xuất hàng loạt chỉ mang lại ích lợi. Hiện giờ Mi-24P là một máy bay hiện đại và 100% của Nga».
Theo ông Alexander Lototsky, trong quá trình hiện đại hóa Mi-24P, đã sử dụng một số cơ phận của trực thăng Mi-35. Đó là tổ hợp chỉ dẫn và điều hướng điện tử, cũng như thiết bị điều khiển «hệ thống hủy diệt từ trên không», kể cả tổ hợp quan sát – tính toán mục tiêu — hoàn toàn kỹ thuật số thay thế công nghệ analog trên các phiên bản Mi-24 trước, làm dễ dàng công việc điều khiển của phi công và xạ thủ. Trang bị vũ khí cũng thay đổi. Mi-24P được lắp đặt pháo mũi đồng trục 23 mm NPPU-23, các móc treo cánh - các thùng chứa UPK-23-250 với pháo 23 mm, tương tự như pháo mũi. Ngoài ra ông Alexander Lototsky lưu ý thêm.
«Vũ khí trang bị, theo yêu cầu khách hàng, có thể bao gồm tên lửa không điều khiển: hai block B8V20 (20 quả tên lửa C8 không điều khiển mỗi chiếc), hoặc block C13, bom từ 50 đến 500 kg, cũng như tên lửa dẫn đường Ataka bằng radio hoặc tia laser. Trong tương lai, trực thăng có thể được trang bị tên lửa không đối không Strelets (phiên bản sửa đổi từ Igla MANPADS), cũng như hệ thống phòng thủ nằm trên giá đỡ cánh phía sau”.
Hiện nay, trong quân đội nước ngoài có nhiều trực thăng Mi-24 đời trước và liệu Rostvertol đã sẵn sàng để hiện đại hóa các máy bay này chưa?
«Về nguyên tắc, điều này là có thể, theo ông Alexander Lototsky, - Nhưng chỉ dành cho Mi-24P đời trước và các phiên bản Mi-24V - về mặt thiết kế là gần gũi nhất với Mi-24P. Nếu chúng ta nói về Mi-24A, Mi-24D, thì cấu trúc rất khác nhau và việc nâng cấp sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các thiết bị, toàn bộ hệ thống cung cấp điện. Và trên thực tế, các máy bay này có lẽ đã hao mòn đến mức việc hiện đại hóa sẽ quá tốn kém, không tương xứng với thời gian sử dụng còn lại. Điều này chỉ đơn giản là không có lợi cho khách hàng, việc thay thế những chiếc trực thăng cũ này bằng Mi-24P mới sẽ dễ dàng hơn. Có một lựa chọn khác. Một số khách hàng nước ngoài yêu cầu thay khung thân máy bay mới với các bộ phận cơ khí mới, nhưng nâng cấp thiết bị cũ. Họ đã quen thuộc với chúng, còn phụ tùng thay thế trong kho, và có thể tự mình đảm bảo hoạt động của trực thăng. Nhưng trong mọi trường hợp, cá nhân tôi cho rằng việc nâng cấp toàn diện Mi-24A và Mi-24D là không hợp lý».