Lão tướng Nga kể chuyện bệnh nhân tâm thần suýt làm nổ tung Đại sứ quán Mỹ năm 1979

MATXCƠVA (Sputnik) - Sự nối kết may mắn của hoàn cảnh đã cứu tòa nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Matxcơva khỏi bị phá hủy do vụ nổ mà người gây ra là một bệnh nhân tâm thần vào mùa xuân năm 1979, - Thiếu tướng về hưu Gennady Zaitsev, Anh hùng Liên Xô, từng chỉ huy nhóm «Alpha» kể với Sputnik.
Sputnik

Trả lời phỏng vấn của Sputnik trước mốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của ông vào hôm thứ Tư, lão tướng Zaitsev lưu ý rằng chiến dịch vô hiệu hóa kẻ thủ ác là hoạt động chiến đấu đầu tiên trong lịch sử của đơn vị «Alpha». Khi đó, vào ngày 28 tháng 3 năm 1979, một đối tượng không rõ tung tích thâm nhập địa bàn đại sứ quán và đòi hỏi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải đảm bảo đưa người này đến nước Mỹ, nơi anh ta dự định nhận học vấn cao cấp, bởi vừa không vượt qua nổi kỳ thi tuyển sinh vào ĐHTH Quốc gia Matxcơva - trường Lomonosov danh tiếng. Trong trường hợp yêu cầu không được thực hiện, đối tượng đe dọa sẽ cho nổ tung quả bom tự chế mang theo trong mình. Nhân viên Đại sứ quán Mỹ thỉnh cầu phía Liên Xô giúp đỡ, - ông Zaitsev nói. 

Vụ nổ lớn xảy ra gần Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul

«Theo lệnh của Chủ tịch KGB, chúng tôi lập tức đến đại sứ quán», - ông Zaitsev nhớ lại.

Cùng với đại diện Bộ Ngoại giao Liên Xô và Đại sứ quán Hoa Kỳ, các sĩ quan đặc nhiệm đã tính toán mọi chi tiết của chiến dịch.

«Không loại trừ rằng có thể sẽ phải sử dụng vũ khí. Tất cả đều nhận được sự cho phép tương ứng của phía Mỹ. Đồng thời, đã thông qua quyết định thương thuyết với kẻ tội phạm vì rằng đến giờ phút đó chúng tôi vẫn chẳng biết gì về anh ta. Công việc này được giao cho tôi», - vị chỉ huy «Alpha» kể.

«Cuộc đàm phán rất tẻ nhạt và ức chế, tôi xin nói thẳng là vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng tác động được vào anh ta. Người này tuyên bố tên là Vlasenko Yuri Mikhailovich, sinh năm 1953, cư dân thành phố Kherson, từng là cựu thủy thủ của một thương hạm. Đã dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐHTH Quốc gia Matxcơva, nhưng không đỗ. Trong quá trình trò chuyện tiếp sau, tôi hình thành quan điểm chắc chắn rằng chúng tôi đang «có chuyện» với một người bệnh tâm thần, điều mà sau đó đã được xác nhận», - ông Zaitsev nói thêm. 

Truyền thông đưa tin về vụ nổ trong Đại sứ quán Nga ở Damascus

Theo lời ông, trong khi nói chuyện Vlasenko vẫn luôn giữ một ngón tay trên kíp nổ, sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thể kích hoạt quả bom tự chế.

«Không làm sao ép được Vlasenko từ bỏ kế hoạch của anh ta, - ông Zaitsev nói.

Theo lời ông, các sĩ quan đặc nhiệm được lệnh khai hoả để buộc Vlasenko bất động bằng những phát súng bắn vào vai và cánh tay phải.

«Chúng tôi tính rằng Vlasenko sẽ phải buông cái kíp nổ, và sau đó có thể vô hiệu hóa anh ta ngay lập tức», - ông Zaitsev giải thích.

Tiếng súng vang lên, nhưng các xạ thủ không đạt được kết quả mong muốn, vì Vlasenko lao đầu chạy vào một trong những căn phòng của cơ sở này, nơi anh ta kích hoạt thiết bị nổ. 

Vụ nổ xảy ra gần đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh (Video)

«Ở đó, đồ gỗ bị xé nát, một đám cháy bùng lên. Vlasenko được đưa lên xe cứu thương, nhưng anh ta đã chết vì những vết thương chí mạng trong vụ nổ», - tướng Zaitsev cho biết.

Ông lưu ý rằng sau đó, một Ủy ban kỹ thuật-chiến dịch đặc biệt được thành lập, và đi đến kết luận rằng thiết bị nổ ba ngăn không hoạt động toàn bộ.

«Trong ngăn đầu tiên có ngòi nổ, ở ngăn thứ hai - TNT và trong ngăn thứ ba, mạnh nhất về sức phá hủy là nửa lít axit picric», - ông Zaitsev thuật lại. «Kết luận cuối cùng là nếu như ngăn thứ ba của quả bom hoạt động, thì tòa nhà đại sứ quán Mỹ có thể bị phá hủy một phần», - vị tướng nói thêm.

Như đã xác minh được, Vlasenko suốt nửa tháng trời lưu giữ axit picric trong một bọng cây rỗng ở khu rừng ngoại ô Matxcơva.

«Nhưng số hoá chất này hấp thụ độ ẩm, và do đó, thật may mắn cho chúng ta và may mắn cho những người Mỹ, ngăn bom mạnh đã không phát nổ. Chiến dịch kết thúc như vậy đấy», - Thiếu tướng Zaitsev kết luận. 

Lão tướng Nga kể chuyện bệnh nhân tâm thần suýt làm nổ tung Đại sứ quán Mỹ năm 1979

Tướng Gennady Zaitsev chỉ huy nhóm «A» vào những năm 1977-1988 và 1992-1995, ông đảm trách hàng loạt chiến dịch nhằm vô hiệu hóa bọn khủng bố bắt giữ con tin, kể cả các trẻ em. Năm 1986, ông Zaitsev được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô «vì công lao to lớn trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia của Liên bang Xô-viết, vì sự can trường và dũng cảm khi thực hiện nhiệm vụ vô hiệu hóa những đối tượng tội phạm đặc biệt nguy hiểm».

Thảo luận