Vì sao Việt Nam chưa ban hành Luật Biểu tình?

Không để Quốc hội mãi nợ dân Luật Biểu tình, phải xác định nguyên nhân và lộ trình thực hiện bởi đây là quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định.
Sputnik

Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013

Sáng 11.9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 37 cho ý kiến về Dự thảo báo cáo 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung bản báo cáo này.

Việt Nam: "Luật biểu tình và "Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ người dân"
Theo đó, việc đánh giá đúng kết quả triển khai thi hành Hiến pháp góp phần quan trọng để đề ra những phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, qua đó, tiếp tục tạo tiền đề về chính trị, kinh tế-xã hội cho đất nước bước vào thời kỳ đổi mới- đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Các cơ quan của Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính Phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều xác định triển khai thực hiện Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tien và tập trung chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp được tập trung cao độ để bảo đảm kịp thời đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống. Công tác thể chế ngày càng được chú trọng. Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm đều xác định công tác hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản trực tiếp phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, TTXVN/Vietnam+ cho biết.

Về kết quả cụ thể, Bộ Trưởng Lê Thành Long cho hay:

“Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục (cần sửa đổi, bổ sung - PV), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành”.

Được biết, đây là lần đầu tiên việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp quy định và tinh thần của Hiến pháp được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ với số lượng văn bản cần rà soát là rất lớn.

Vì vậy, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm đã được giao, cơ bản đảm bảo tiến độ, lập danh mục và kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Vì sao còn 21 luật chưa được ban hành?

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận Hiến pháp 2013 đã đi vào cuộc sống, tạo ra nhiều thay đổi, tuy nhiên ông cũng yêu cầu Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vì sao vẫn còn 21 luật chưa được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Vì sao dự án Luật biểu tình ở Việt Nam vẫn im ắng?
Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu đến hết năm 2020 có hoàn thành được hay không và nếu không hoàn thành kịp, tác động của việc chậm trễ này như thế nào đối với các vấn đề kinh tế, chính trị-xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân.

“Cần tổng rà soát, đánh giá hệ thống văn bản dưới luật về tính tuân thủ Hiến pháp. Trong quá trình triển khai, hẳn là cũng có những cái không thành công, vậy những cái không thành công là gì cần được chỉ rõ”- Tuổi trẻ dẫn lời ông Phùng Quốc Hiển cho biết.

Nhận định về công tác sơ kết việc thi hành Hiến pháp 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng điều này rất có ý nghĩa vì sẽ giúp rút ra được nhiều bài học thực tế để thực hiện tốt hơn. Bà Nga cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong một số lĩnh vực bà phụ trách là quy định buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung.

“Mặc dù đã được quy định, nhưng cho đến nay chúng tôi nhiều lần hỏi Bộ Công an, nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được là chưa bố trí được kinh phí. Đây là vấn đề lớn liên quan đến quyền con người, quyền công dân, tới tiêu chuẩn văn minh của hoạt động tư pháp, nếu lý do là thiếu tiền nên chưa thực hiện được thì chúng tôi rất băn khoăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi.

Bà Nga thắc mắc việc với công nghệ phát triển như hiện nay, hầu hết khi cho con em đi học các bậc phụ huynh đều có thể theo dõi thông qua ghi âm ghi hình.

“Tại sao các trường học họ lắp đặt được hệ thống này mà các phòng hỏi cung lại không làm được?”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội nói.

Về việc bãi nhiệm ĐBQH, Luật Biểu tình và thành lập các đơn vị hành chính

Trao đổi về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quy định cử tri có quyền bãi nhiệm trực tiếp tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi những người này không còn đủ uy tín, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn quy trình, thủ tục để cử tri thực hiện quyền của mình.

Nhìn lại năm 2018 - không thể xuyên tạc, phủ nhận thành quả nhân quyền Việt Nam
Theo ông Phúc, tất cả các trường hợp đại biểu dân cử liên quan đến lỷ luật phải thôi nhiệm vụ, trước nay đều do Quốc hội và HĐND quyết đinh.

Khi điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ rất nghiêm túc, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo.

Tuy nhiên, đối với nội dung còn hạn chế, chưa thực hiện triệt để, ông Uông Chu Lưu chỉ rõ, nhiều khóa Quốc hội trước đây đã đặt ra ý định xây dựng đạo luật về dân tộc để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, nhưng 2-3 khóa vẫn chưa ban hành được vì chỗ xác định nội hàm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật này.

“Trong báo cáo của Chính phủ chỉ rõ bây giờ chúng ta đang có 3 luật đã nằm trong kế hoạch rồi nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về hội, Luật biểu tình, Luật hiến máu. Đề nghị các đồng chí phân tích rõ nguyên nhân và cũng xác định lộ trình để ban hành chứ không thể để kéo dài, bởi vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp”, ông Uông Chu Lưu nêu vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích rõ nguyên nhân và xác định lộ trình để ban hành, không thể để kéo dài mãi, “vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp”.

Vì sao Việt Nam chưa ban hành Luật Biểu tình?

Ngoài ra, trong phiên thảo luận sáng 11.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập bốn phường (Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ) thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (Hải Dương); thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Thảo luận