Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liên quan tới hai dự luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội là luật An ninh mạng và luật Đặc khu, trong đó dự luật Đặc khu được Quốc hội lùi lại để thông qua tại kỳ họp sau còn dự luật An ninh mạng lại được thông qua với số phiếu cao, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, bản chất 2 dự luật này khác nhau.
Theo ông Phúc, đối với luật An ninh mạng, khi có trao đổi, ý kiến, phản hồi từ các chuyên gia, cử tri, Quốc hội đã lắng nghe rất nhiều. Sau đó, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều.
"Khi đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội rồi thì việc thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao là điều đương nhiên", ông Phúc nói và cho rằng, vấn đề quan trọng là phải truyền thông để người dân hiểu. "Các ý kiến cho rằng khi luật An ninh mạng được thông qua sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp hay quyền lợi của người dân thì không phải. Ngược lại, luật này chính là bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân", ông Phúc khẳng định, đồng thời cho biết, dự án luật Đặc khu có nhiều vấn đề, rộng hơn luật An ninh mạng nhiều, nên Quốc hội thấy cần lùi lại để có thời gian trao đổi, nghiên cứu thêm.
Trao đổi thêm về luật An ninh mạng vừa thông qua, ông Nguyễn Thanh Hồng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội, cho biết, trong quá trình thẩm tra và chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh đã hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, của các chuyên gia. Nhiều vấn đề trong dự án luật Chính phủ trình sang đã được tiếp thu, chỉnh lỷ để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.
Ông Hồng khẳng định, không có chuyện việc luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Ngược lại, đạo luật này tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phóng viên hãng Reuters tiếp tục đặt câu hỏi với ông Hồng, cho rằng, việc luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam sẽ làm doanh nghiệp như Google, Facebook tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, Facebook và Google đều cung cấp nhiều dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, nếu 2 công ty này bị ảnh hưởng thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Hồng cho biết, theo số liệu Chính phủ cung cấp thì hiện có 18 quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Đây là yêu cầu cần thiết vừa bảo vệ an ninh quốc gia vừa đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định.
Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình
Trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm tới luật Biểu tình. Năm 2016, khi xây dựng dựng Chương trình luật, pháp lệnh của năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án luật này để báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến.
"Hiện nay, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị. Đến khi nào Chính phủ hoàn thiện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến", ông Phúc khẳng định.
Theo: Thanh Niên