Khi nào Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ?
Chiều 12.9, phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của truyền thông quốc tế về chuyến thăm chính thức của Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ tháng 10 tới đây.
Bình luận về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ được thông báo đến truyền thông vào thời điểm thích hợp”, Thanh Niên dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định.
Có thể nói, Donald Trump là vị Tổng thống Hoa Kỳ có nhiều duyên nợ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Ngày 29 - 31/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump sau đó thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ 11 đến 12.11/2017. Ông cũng là vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.
Ngày 26 - 28/2/2019, ông Trump lại có chuyến thăm (không chính thức) tới Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Trên chiếc chuyên cơ trở về Nhà Trắng sau khi kết thúc cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn đến Việt Nam vì đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh cũng như khen ngợi hết lời những thành tựu đáng kinh ngạc mà Việt Nam đạt được. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump đã gửi lời cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và toàn thể người dân tuyệt vời ở Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ghi nhận nhiều bước phát triển đột phá. Cả hai bên khẳng định còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của hai quốc gia. Tới tháng 7/2019, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 41,1 tỷ USD tăng 24% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ là một trong 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế năm 2018 đạt 9,3 tỷ USD.
Việt Nam mong đặc khu Hồng Kông sớm ổn định
Lên tiếng về phản ứng của Việt Nam trước tình hình bất ổn thời gian qua tại đặc khu Hồng Kông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:
“Việt Nam tôn trọng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, các quy chế liên quan của Hồng Kông và hy vọng tình hình Hồng Kông sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì được vị thế trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới”.
Bình luận về tác động của những cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông đến quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Việt Nam mong muốn các hoạt động giao lưu kinh tế thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Hồng Kông tiếp tục được thúc đẩy, và đề nghị chính quyền đặc khu Hồng Kông đảm bảo an ninh, an toàn cho người Việt Nam du lịch, sinh sống và làm việc tại Hồng Kông”, VOV trích lời bà Hằng nêu rõ.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tái khẳng định, không chỉ Hà Nội mà các nước ASEAN cùng có chung quan hệ tốt đẹp về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch cũng như có sự trao đổi thân tình với nhân dân đặc khu Hồng Kông.
“Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này”, bà Hằng cho biết.
Việt Nam nói gì về việc Anh đưa tàu sân bay đến Biển Đông?
Về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng tiêm kích F-35 đến Biển Đông vào năm 2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tái khẳng định quan điểm của Hà Nội về tự do hàng hải và hàng không trên biển rất rõ ràng, nhất quán, đã được thể hiện nhiều lần.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, bất cứ quốc gia nào khi hoạt động trên biển cũng cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như đã được đánh dấu trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
“Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực”, bà Lê Thị Thu Hằng nhận xét.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại bổ sung thêm rằng, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cũng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, sau khi Hải quân Hoàng gia Anh công bố kế hoạch triển khai tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth với trọng tải 65.000 tấn cùng các tiêm kích F-35 tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong lần đảm trách nhiệm vụ quốc tế đầu tiên dự kiến vào năm 2021, Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích dữ dội.
“Nếu Nếu Hoa Kỳ và Anh đồng tâm hiệp lực cùng thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ là hành động thù địch!”, Thiếu tướng Su Guanghui, Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc tại Vương quốc Anh tuyên bố.