Việt Nam bác bỏ báo cáo của Ủy ban bảo vệ ký giả
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ chiều 12/9 đưa ra bình luận đáp lại báo cáo của Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) vừa qua ngày 10.9.2019 tuyên bố Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí truyền thông nhiều nhất.
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu.
Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận
Tại phiên họp báo lần này, một lần nữa, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại điều đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói chung. Đây là những điều không thể bị vi phạm. Việt Nam cũng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ thị, quy định liên quan đến vấn đề này.
“Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt sai sự thật, kích động hằn thù dân tộc”, NLĐ trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng kết luận.
Tự do báo chí hay tự do thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng đề cập và công nhận quyền tự do này của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do báo chí ở mỗi quốc gia có mức độ hoàn toàn khác nhau.
Luật An ninh mạng năm 2018 của Việt Nam là để đảm bảo tự do ngôn luận?
Việt Nam thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn, Công ước; đồng thời, căn cứ vào thực tiễn đất nước đã cụ thể hóa thành những quy định trong hệ thống luật pháp để mọi tổ chức và công dân thực hiện.
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam nêu rõ: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.
Theo đó, chất lượng bảo đảm quyền tự do báo chí là thước đo thực hành dân chủ, là “gương mặt” thể hiện trình độ khoa học, pháp luật và văn hóa của mỗi quốc gia. Tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật; mọi hành động lợi dụng tự do báo chí phục vụ cho những mưu đồ xấu, vi phạm dân chủ, đạo đức và thuần phong mỹ tục, pháp luật nhất thiết phải bị nghiêm trị.
Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên) và các Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung (1959, 1980, 1992, 2013) của nước ta, đều khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013 ghi rõ:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; Điều 25, khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016hay gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018.