Khát vọng thịnh vượng và đánh giá bất ngờ về nền kinh tế Việt Nam

Dù được tạp chí US News and World Report xếp hạng 8 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, Việt Nam vẫn bộc lộ những điểm yếu, hạn chế nhất định khi chưa vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trên con đường tiến tới khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng.
Sputnik

Việt Nam xếp thứ 8 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Tạp chí Mỹ US News and World Report vừa công bố thứ hạng bất ngờ của nền kinh tế Việt Nam, theo đó Hà Nội đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia dẫn đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Việt Nam là tấm gương ví dụ cho ASEAN, không chỉ trong chính trị, mà cả về kinh tế
Theo đó, kết quả này cho thấy Việt Nam đã nhảy vọt 15 bậc vượt lên so với năm 2018.

Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam lại bày tỏ nghi ngờ về mức độ tín nhiệm của US News and World Report, cũng như liệu thứ hạng này có phản ánh đúng thực trạng kinh tế, thu hút đầu tư của Việt Nam hay không.

Phát biểu về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cho hay, hàng năm tạp chí US News and World Report công bố rất nhiều bảng xếp hạng, trong đó có mục “những quốc gia tốt nhất để đầu tư”. Theo bảng rating vừa công bố năm 2019, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trên tổng số 80 nước được xếp hạng, cao hơn cả Chile (9/80) và New Zealand (10/80), tăng 15 bậc từ vị trí thứ 23 năm 2018.

Tiêu chí để US News and World Report đánh giá, xếp hạng và công bố chính là tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến của 7000 lãnh đạo công ty quốc tế với những tiêu chuẩn, hạng mục sau: Chỉ số tham nhũng, tính năng động, mức độ bền vững của nền kinh tế, tinh thần kinh doanh, môi trường thuế quan thuận lợi, tính sáng tạo, chất lượng tay nghề lao động, khả năng làm chủ công nghệ.

“Đây là một tin vui vì các nhà đầu tư quốc tế sẽ tham khảo xếp hạng này và sự tiến bộ của Việt Nam để lựa chọn địa điểm đầu tư. Chúng ta có thể tham khảo các thông tin chi tiết về những tiêu chí trên để nỗ lực cải cách có hiệu quả hơn, thiết thực hơn”-TS Lê Đăng Doanh nói với báo Lao Động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế Việt Nam đón nhiều tin vui
Nhận định về những giải pháp, “kế sách” giúp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các đối tác nước ngoài, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, những điểm Việt Nam cần phấn đấu là cải cách thể chế, thực hiện công khai minh bạch để cắt giảm chi phí về thời gian và tiền bạc trong kinh doanh, hoàn toàn phù hợp với nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay. Thêm vào đó, Việt Nam cần cải thiện môi trường sáng tạo, vận dụng khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao nguồn nhân lực về kỹ năng, thể lực và kỷ luật công nghiệp là những lĩnh vực cần đạt được sự tiến bộ và TS. Lê Đăng Doanh tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng.

Phát biểu về bảng xếp hạng này, TS. Nguyễn Đức Độ- Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) cho hay, kết quả thứ hạng Việt Nam được xếp nằm trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư không phải là không có lý:

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Lạm phát thấp, tỉ giá ổn định cho dù bên ngoài có nhiều biến động cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất thuận lợi cho đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có lợi thế từ giá nhân công thấp, thị trường xuất khẩu liên tục mở rộng, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh trong những năm qua”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

World Bank: Để phát triển, Việt Nam cần cải cách kinh tế táo bạo hơn

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 (VRDF 2019) sáng 19.9 với chủ đề “Việt Nam- Khát vọng thịnh vượng: Ưu tiên và Hành động”, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh:

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng”, VOV trích nhận định của ông Ousmane Dione cho biết.

Theo phân tích của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những thay đổi công nghệ hiện đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Việt Nam không thể nằm ngoài guồng quay, đặc biệt khi những tiến bộ công nghệ này lại vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.

Xếp hạng về an ninh mạng của Việt Nam bao giờ cũng phải cao hơn xếp hạng về kinh tế

Lãnh đạo WB tại Việt Nam chỉ rõ, hiện nay, nền kinh tế 96 triệu dân cũng đang phải đối mặt với một số thách thức chính từ trong nước như vấn đề già hóa dân số với tốc độ nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất. Vậy nên, ông Ousmane Dione đánh giá, dù sở hữu mọi tiềm năng để duy trì thành công trên đà phát triển, Việt Nam vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và xử lý tốt những rủi ro, vấn đề nêu trên.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ lĩnh vực đầu tiên mà Việt Nam cần chú trọng chính là: “Tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại, vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển nhanh chóng 4.0, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu thông qua tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Do đó, cần có các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cơ chế thị trường chính là lĩnh vực cải cách thứ hai mà ông Ousmane Dione đề cập. Theo đại diện của WB, dù Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, quốc gia này vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đảm bảo yếu tố cạnh tranh tích cực.

“Làm thế nào Việt Nam có thể hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng?”, ông Ousmane Dione đặt vấn đề.

Theo đánh giá, phân tích của đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Hà Nội cần một chiến lược phát triển kinh tế- xã hội được thiết kế, đầu tư tốt. Theo đó, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi với việc tính toán đến bối cảnh hiện tại của từng địa phương và các bên tham gia.

“Chúng tôi muốn tập trung thảo luận về giải pháp để Việt Nam có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên các chính sách của mình và xây dựng một chương trình cải cách khả thi trong thập kỷ tới... Chúng ta hãy cởi mở, táo bạo và tham vọng, nhưng cũng cần thiết thực và cụ thể”, ông Ousmane Dione đúc kết.

Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là gì?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 (VRDF 2019) cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề nội tại, những điểm yếu cần khắc phục của nền kinh tế Việt Nam.

Mở đầu phần phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn những thông tin hết sức tích cực: “Đến nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP”, VOV dẫn lời vị Bộ trưởng khẳng định.

Tại sao Việt Nam cần phải đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao?
Việt Nam hiểu được xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới đồng thời mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các ngành, lĩnh vực- kinh tế xã hội và quản lý nhà nước.

Đáng ghi nhận, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, vượt lên xếp thứ 42/129 quốc gia. Với thứ hạng này, Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm 26 nước thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ xếp sau Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành cũng thừa nhận Việt Nam hiện phải đối mặt với loạt thách thức, khó khăn cần phải vượt qua.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định thế giới mà chúng ta đang sống, thay đổi hết sức mau lẹ, với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ghi nhận sự xuất hiện chưa từng có của nhiều công nghệ, đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp.

“Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Trong hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước khi nghĩ đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, Việt Nam cần chú trọng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, bởi đây chính là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Vì sao kinh tế Việt Nam là ‘ngoại lệ’?

Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn. Một biểu đồ kèm báo cáo về Trung Quốc năm 2030 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đa số các quốc gia đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960 vẫn chỉ có thu nhập trung bình vào năm 2008, và chỉ có 13 quốc gia trong thống kê là thoát được bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia có thu nhập cao. Tại châu Á, chỉ có năm nước và vùng lãnh thổ thoát được bẫy, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Nhiều nước Mỹ Latinh cũng mắc bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế vẫn chưa cao. Theo báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018, năng suất lao động của Việt Nam dù đã có những bước tăng trưởng nhưng hiện vẫn đang ở tầm thấp nhất châu Á. Dù đạt mức tăng 36% tuy nhiên, thực tế, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/16 Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu vẫn chưa mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và sự phát triển bền vững.

Việt Nam cần làm gì?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không thể thành công nếu ngưng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế và cơ chế chính sách.

“Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế

Đặc biệt, còn một yếu tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt nam chính là định hướng phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, đồng thời chấp nhận rủi ro cho việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất- kinh doanh, tổ chức xã hội.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn khẳng định, Việt Nam sẽ ứng dụng và phát triển công nghệ mới với ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), in 3D, Internet vạn vật (loT), an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất hiệu quả của nền kinh tế.

Phát biểu đúc kết những ý kiến đóng góp thiết thực tại VFDF 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, những đề xuất, nhận định, đánh giá này sẽ giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) cũng như Kế hoạch phát triển 5 năm (2021-2025), đồng thời xác định phương hướng, giải pháp phát triển nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang trên con đường hiện thực hóa “Khát vọng thịnh vượng” của Việt Nam.

Thảo luận