Do thiếu các cải cách cơ cấu kinh tế cần thiết, tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ đã chậm lại trong 5 quý liên tiếp, và hiện ở mức tối thiểu kể từ năm 2013. Do đó các nhà đầu tư đã bán ra các chứng khoán Ấn Độ với giá 4,5 tỷ USD.
Mức độ tiêu thụ ở nước này - điều mà chính quyền Ấn Độ hy vọng đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm - đang nhanh chóng giảm xuống. Tuy nhiên, điều này không đáng ngạc nhiên. Thất nghiệp hiện đang ở mức cao nhất trong 45 năm qua - 7,6%. Hơn nữa, đối với dân thành thị, con số này vượt quá 8,5%. Trong lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu ở một trong những mức cao nhất trên thế giới - hơn 10%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang suy giảm nhanh chóng. Nếu năm ngoái GDP của Ấn Độ tăng 7,4%, thì năm nay, theo dự đoán của Thủ tướng Narendra Modi: mức tăng trưởng sẽ chỉ là 6,2%. Nhưng trong quý đầu tiên tính theo năm, GDP chỉ tăng 5,8% và trong quý thứ hai, đã giảm xuống còn 5%. Vì vậy, ngay cả kế hoạch tăng trưởng 6,2% đã công bố bây giờ có vẻ đáng ngờ.
Chính phủ Modi đang cố gắng đối phó với khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Để chống lại "nền kinh tế trong bóng tối", việc giảm chức năng tiền tệ đã được thực hiện cách đây vài năm: tiền giấy 500 và 1.000 rupee đã bị buộc đưa ra khỏi lưu thông. Chính những đồng tiền mệnh giá lớn này thường được sử dụng nhất trong nền kinh tế ngầm. Ngoài ra, các nhà chức trách đã áp dụng hệ thống nhận dạng Aadhaar. 10 năm trước, gần nửa tỷ người không có chứng minh thư. Hai chương trình của nhà nước đã được triển khai: "Make in India" - về phát triển cơ sở sản xuất trong nước và "Ấn Độ tốt nhất - 2022" - về thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào đất nước.
Nhưng điều đó không giúp được gì nhiều. Bây giờ, ngay cả về mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, Ấn Độ có thể đứng sau Trung Quốc. Nhưng trong vài năm liên tiếp, nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn: hiệu ứng từ mức phát triển cơ bản thấp. Mặc dù thực tế Trung Quốc và Ấn Độ rất giống nhau về các điều kiện khởi đầu kinh tế, địa lý và nhân khẩu học, khoảng cách giữa hai quốc gia này vẫn tiếp tục mở rộng. Đó là do Trung Quốc đã đi theo đường hướng cải cách cơ cấu quy mô lớn mà Ấn Độ hiện đang rất thiếu, chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Zhou Rong nói với Sputnik.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ gia nhập thị trường quốc tế. Trong quá trình này, Ấn Độ có những lợi thế rõ ràng: tất cả các doanh nhân Ấn Độ đều thông thạo tiếng Anh và có tài năng quản lý lớn. Các doanh nhân Trung Quốc tụt hậu hơn về kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng họ đã thành công trong nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có tiềm năng khoa học kỹ thuật cao, nhân sự có trình độ và tiềm năng mạnh mẽ để tạo ra giá trị gia tăng. Còn Ấn Độ không đủ khả năng đối phó với điều này. Trải qua hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã không ngừng điều chỉnh chính sách cho doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ , khuyến khích tiềm năng tăng trưởng và mong muốn vươn ra thế giới bên ngoài. Ấn Độ có một cái nhìn khác trong vấn đề này. Tất cả các chiến lược của Ấn Độ đều có tác dụng ngắn hạn, bao gồm các ưu đãi kinh tế do Thủ tướng Modi đưa ra. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình thế khó khăn. Ngoài ra, trong bảy năm trị vì của ông Tập Cận Bình, quan hệ giữa các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và lãnh đạo đảng đã trải qua những thay đổi lớn, chính phủ đã có biện pháp kịp thời để cải thiện cuộc sống người dân. Còn Ấn Độ khó có thể hình thành một chính sách duy nhất. Chính phủ cầm quyền là một chuyện, và các đảng đối lập là một chuyện khác. Do đó, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ cũng mất cân bằng như sự phát triển chính trị của họ".
Thật vậy, nghịch lý là các thể chế dân chủ của Ấn Độ, quan chức vô kỷ luật và sự không khoan nhượng của dân chúng cản trở đất nước phát triển. Vì phải tiêu tốn một lượng lớn thời gian và tài nguyên dành cho các phê duyệt khác nhau. Ví dụ, năm 1999 Thủ tướng Ấn Độ lúc đó Atal Bihari Vajpayee đã bắt đầu dự án xây dựng những con đường cao tốc nối các thành phố lớn nhất của đất nước: Delhi, Mumbai, Chennai và Calcutta. Công việc được cho là hoàn thành vào năm 2006. Nhưng trên thực tế, việc lưu thông trên các con đường chỉ bắt đầu vào năm 2012: nhiều vụ kiện liên quan đến việc mua đất của người dân, sự chậm trễ quan liêu, thiếu kinh phí - tất cả điều này làm dự án kéo dài thêm sáu năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia có cùng một quan điểm: cản trở chính cho sự phát triển của Ấn Độ vẫn là thiếu cải cách cấu trúc kinh tế. Sanjeev Prasad , nhà phân tích tại Kotak Institutional Equities, đưọc South China Morning Post trích dẫn, nói rằng chính quyền Ấn Độ đã sử dụng tất cả các công cụ kích thích tài chính và tiền tệ có thể. Hiện giờ chỉ có thể thổi hơi thở hồi sinh cho nền kinh tế bằng cách chữa khỏi hoàn toàn các căn bệnh cũ. Thứ nhất, cần phải tư nhân hóa các công ty nhà nước, hiện đang hoạt động không hiệu quả. Cần giảm nhẹ các hạn chế nhà nước đối với việc mua đất, cần phải tạo ra một ngân hàng nợ xấu, để xóa số dư của các ngân hàng khác khỏi đó. Cuối cùng cung cấp các ưu đãi thuế nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề do việc loại bỏ hoạt động tín dụng đen.
Thật thú vị, tất cả các vấn đề tương tự đều đã từng diễn ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã kịp thời phản ứng. Các công ty nhà nước không hiệu quả được tích cực tư nhân hóa và tái cấu trúc. Để làm sạch hệ thống ngân hàng, từ những năm 90, 4 ngân hàng nợ xấu đã được tạo ra. Hoạt động ngân hàng đen đã suy giảm trong những năm gần đây do các biện pháp được các cơ quan chức năng thực hiện. Tất nhiên các cơ quan tài chính thường xuyên cung cấp các biện pháp khuyến khích cho các ngân hàng truyền thống để hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bằng cách này, Trung Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp Ấn Độ vượt qua những khó khăn này. Nhưng liệu Ấn Độ có muốn chấp nhận sự giúp đỡ này hay không, đó là một vấn đề khác, Zhou Rong nói.
"Về đầu tư của hai nước, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ khoảng 4,7 tỷ đô la, trong khi đầu tư của Ấn Độ vào Trung Quốc chỉ khoảng 900 triệu đô la. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng họ đã không đạt được kết quả đáng kể. Lý do, tôi nghĩ, trước tiên, là các công ty Trung Quốc vẫn cảnh giác khi đầu tư vào Ấn Độ. Phát triển cơ sở hạ tầng kém, rào cản ngôn ngữ, rủi ro chính trị - điều này không đóng góp cho môi trường đầu tư thuận lợi. Ngoài ra, Ấn Độ không tán thành sáng kiến đầu tư hợp tác «Một vành đai, một con đường» của Trung Quốc, không thể hiện nhiều mong muốn đầu tư vào Trung Quốc, và vẫn còn một số nghi ngờ trong mối quan hệ với Trung Quốc. Do đó, theo tôi , vấn đề là liệu Trung Quốc có thể giúp Ấn Độ hay không, và một vấn đề khác là liệu Ấn Độ có muốn chấp nhận sự giúp đỡ này hay không. Sắp tới Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng trong chuyến thăm, ông sẽ có các cuộc thảo luận với đồng nghiệp Ấn Độ về hợp tác và có thể đạt được sự đồng thuận nhất định với Thủ tướng Modi".
Trong cuộc Đối thoại kinh tế chiến lược Trung-Ấn gần đây, phía Trung Quốc cho rằng hợp tác giữa hai quốc gia sẽ giúp cho sự phát triển của cả hai nước. Phía Ấn Độ cho biết chính phủ đang tích cực thúc đẩy cải cách, cải thiện điều kiện kinh doanh, chất lượng cơ sở hạ tầng và hoan nghênh các khoản đầu tư từ các công ty Trung Quốc vào hạ tầng, bất động sản, hậu cần, "thành phố thông minh" và ngành công nghiệp sản xuất chế biến của đất nước.
Nhưng vẫn chưa rõ, liệu cải cách cơ cấu có thực sự được thực hiện hay không. Chiến thắng bầu cử đã mang lại cho Modi một số điểm chính trị nhất định. Tuy nhiên, theo Katalin Gingold, Giám đốc điều hành Cartica Management, tất cả vốn chính trị hiện đã chi trả hết cho Kashmir, trong khi lẽ ra sẽ tốt hơn nếu dành để phát triển nền kinh tế. Như chính đảng của Modi, Đảng Bharatiya Janata cầm quyền đã thừa nhận, thủ tướng có khoảng sáu tháng để bằng cách nào đó khắc phục tình hình kinh tế. Sau đó cử tri của ông sẽ bắt đầu phẫn nộ.