Liệu Việt Nam có tránh được khủng hoảng năng lượng?

Chỉ sau hai năm, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện, Chính phủ Việt Nam cảnh báo. Cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước không theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghiệp được thúc đẩy bởi việc hàng loạt doanh nghiệp lớn và nhỏ chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Sputnik

Tăng trưởng kinh tế mạnh gây ra tình trạng thiếu điện

Vào cuối năm 2018, ông Trần Việt Anh, Trưởng Ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lưu ý rằng, tốc độ xây dựng các cơ sở sản xuất điện không tương ứng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong nước. Các chuyên gia dự đoán rằng, đến khi dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu và tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7%, sản lượng điện phải tăng từ khoảng 47.000 MW hiện nay lên đến 60.000 MW vào năm 2020 và đến 129.500 MW vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, sản xuất điện của Việt Nam đến năm 2025 phải đạt mốc cao hơn Thái Lan hiện có. Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỷ USD cho ngành điện vào năm 2030, gần gấp 80 tỷ USD đã chi vào ngành này kể từ năm 2010. Liệu Việt Nam có đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ này không?

Việt Nam khủng hoảng năng lượng vì Trung Quốc?

Than đá, khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo

Trước đây, các nhà máy thủy điện đã đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng, sau đó Việt Nam chuyển sang dùng than giá rẻ nhưng gây ô nhiễm. Theo nghiên cứu của Harvard Ash School thuộc Đại học Harvard Kennedy về Việt Nam, việc sử dụng điện than ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 đã tăng 75%. Tốc độ này nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 7 (PDP 7) đặt than vào trung tâm kế hoạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng mới. PDP 7 dự báo đến năm 2030 thị phần năng lượng than tăng từ 33% lên 56%. Nhưng, do mức độ ô nhiễm không khí cao và mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, kế hoạch phát triển mới được thông qua gần đây chú ý nhiều hơn đến các nguồn năng lượng tái tạo: thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ngành năng lượng hạt nhân hòa bình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho đất nước, nhưng, trong năm 2016, Hà Nội đã từ bỏ chương trình năng lượng hạt nhân.

Mỗi tháng, Việt Nam đưa vào vận hành những nhà máy điện mặt trời mới. Ví dụ, vào ngày 7 tháng 9, ở Tây Ninh đã tổ chức khánh thành cụm Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2 – cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều ưu đãi về vốn đầu tư và thuế đối với các dự án điện mặt trời, điều đó làm tăng mạnh sự quan tâm của người dân và các nhà đầu tư nước ngoài đến ngành này. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, nếu chính phủ tiếp tục các chính sách này, và năng lượng gió và mặt trời trở nên rẻ hơn và tốt hơn, thì đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo thậm chí có thể thách thức điện than là nguồn điện năng lớn nhất của Việt Nam.

Một nguồn năng lượng khác là khí đốt. Ở thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông có dự trữ khí đốt tự nhiên rất lớn. Ngoài Petrovietnam, tham gia khai thác các mỏ khí còn có hàng chục công ty nước ngoài, bao gồm các tập đoàn khổng lồ như Rosneft của Nga và ExxonMobil của Mỹ. Nhưng, hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp - gần đây sức ép của Trung Quốc với các dự án dầu khí Việt Nam đã gia tăng. Trong những điều kiện này, việc sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng có tầm quan trọng đặc biệt.

Rác thải sẽ cứu Việt Nam khỏi khủng hoảng năng lượng

Đến năm 2020, nhu cầu LNG sẽ tăng đến 10 triệu tấn. Vào cuối tháng 10 năm nay, Samsung C&T sẽ bắt đầu xây dựng kho chứa LNG 1MMTPA Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, kho chứa có công suất thiết kế 1 triệu tấn / năm.  Việt Nam dự định xây dựng thêm 5 kho chứa như vậy đến năm 2025, và đến năm 2029 ở Việt Nam sẽ có 10 kho chứa LNG. Hướng đi này đặc biệt được thúc đẩy bởi các công ty và quan chức Mỹ, họ coi việc bán LNG của Mỹ như một phương cách để giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ. Gazprom của Nga trong sự hợp tác với Petrovietnam cũng lên kế hoạch triển khai tại Việt Nam dự án sản xuất điện bằng cách đốt khí thiên nhiên hóa lỏng.
Nhưng, tất cả điều này sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Trong khi đó, Việt Nam đang tăng nhập khẩu điện từ Lào và đang xem xét khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Theo dịch vụ hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã tăng gấp đôi con số than nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái  - lên 13,34 triệu tấn.

Thời gian hoàn vốn 7-10 năm

“Vấn đề thiếu điện thường phát sinh trong nước khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng mạnh,- ông Alexander Rogozhin, chuyên gia hàng đầu về nền kinh tế của các nước Đông –Nam Á, người đứng đầu chuyên ngành kinh tế - xã hội của Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý. - Tôi cho rằng, Việt Nam có đủ khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng này. Người Việt cần hiện đại hóa các nhà máy thủy điện và nhiệt điện của họ, trong số đó có nhiều nhà máy đã được xây dựng với sự trợ giúp của Liên Xô, cần phải tăng công suất, sử dụng các công nghệ hiện đại để làm sạch khí thải, cải thiện hệ thống phân phối điện để giảm thiểu tổn thất. Cần thu hút các công ty nước ngoài để khai thác những mỏ dầu khí mới ở Biển Đông, đồng thời đạt thỏa thuận với Trung Quốc. Để thu hút các công ty nước ngoài với công nghệ tiên tiến đầu tư vào ngành năng lượng, Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Thời gian hoàn vốn 7-10 năm. Nói về năng lượng hạt nhân, tôi cho rằng, quyết định hoãn thực hiện dự án này ở Việt Nam là đúng đắn, bởi vì ở vùng này có nguy cơ cao về thiên tai, mà hậu quả đối với nhà máy điện hạt nhân khó lường trước được”.

Thảo luận