Hà Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài
Trong những ngày gần đây, vấn đề chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Kể từ ngày 13/9, Hà Nội không ít lần được đưa vào Bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. Thậm chí, thủ đô Việt Nam còn bị AirVisual xếp vào vị trí đầu tiên – nới có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn trên 200 nhiều ngày liên tiếp.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ:
“Tôi biết AirVisual đánh giá Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, nhưng theo tôi chúng ta cũng nên thận trọng với các nguồn số liệu, vì ngay tại Hà Nội cũng có nhiều trạm quan trắc nên chúng tôi không biết AirVisual dựa trên số liệu nào. Vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng khi xếp hạng nhất, nhì như vậy”.
Đồng thời, báo cáo của Bộ TN&MT nêu:
“So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng của những năm 2013-2019 cho thấy nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng của năm 2019 có xu hướng giảm. Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm 2015-2018”.
Sáng 1/10, lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng trong ngày 12-17/9, sau đó giảm trong ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì mức tăng liên tiếp trong các ngày 23-29/9.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng cho hay, khi theo dõi diễn biến lúc 4h-5h sáng 30-9, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao, cao nhất trong mấy ngày gần đây, và đây cũng là ngày chỉ số chất lượng môi trường ô nhiễm nhất trong dịp gần đây.
“Sau khi trời hửng nắng, mức độ ô nhiễm giảm dần. Đây là một hiện tượng khá bất thường và đáng lo ngại”, ông Tùng cảnh báo.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Nhận định về nguyên nhân ô nhiễm, Bộ TN&MT cho rằng xu hướng biến động dẫn đến nồng độ bụi PM2.5 tại các thành phố phía bắc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt trong phạm vi nội thành, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
Theo chuyên gia đến từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - Green ID thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí là sự gia tăng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng.
Đồng thời các nguồn thải bên ngoài theo hướng gió đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện than, các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng cũng ảnh hưởng tới miền Bắc.
Người dân cần hạn chế ra đường vì ô nhiễm không khí
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay việc chất lượng không khí xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị nhạy cảm, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch.
“Đặc biệt, những người nhạy cảm về sức khỏe như trẻ em, người già không nên ra đường vào giờ cao điểm ô nhiễm, hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết thêm.
Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch.