Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, TP.HCM xếp thứ 3
Sáng 26.9, theo ghi nhận trên hệ thống quan trắc không khí tự động AirVisual tại 10.000 thành phố trên khắp thế giới, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí AQI lên tới ngưỡng 204. Cụ thể, theo ghi nhận của AirVisual, chất lượng không khí trung bình ở Hà Nội duy trì ở mức 187. Tuy nhiên, khu vực Tây Hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, lên tới mức 224.
Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, nếu chỉ số này vượt trên ngưỡng 200, đồng nghĩa với chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu- rất có hại cho sức khỏe (mức cực kỳ không lành mạnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO). Theo khuyến cáo của ngành Y tế, những ai có vấn đề nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết, không khí như bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch nên tránh ra ngoài vào thời điểm này, người bình thường cũng được khuyến khích nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài.
Thêm vào đó, hệ thống PAMAIR của Việt Nam cũng ghi nhận hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sáng nay với chỉ số AQI ở hầu khắp các điểm nút đo lúc 7h sáng đều từ 150-200, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người. Tối 25.9, cá biệt, hệ thống PAMAIR ghi nhận chất lượng không khí ở Hà Nội có điểm đạt tới 228 như ở huyện Đông Anh.
Hiện tại, Hà Nội mới chỉ có hệ thống quan trắc với 12 điểm đo trong nội đô. Hệ thống quan trắc không khí này cũng ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng khác như ở khu vực Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) vào sáng 26.9.
Đối với TP.HCM, chất lượng không khí vừa được cải thiện trong những ngày vừa qua thì nay tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Hệ thống Airvisua ghi nhận đây là thành phố ô nhiễm thứ ba thế giới trong sáng 26.9, xếp sau Hà Nội và Jakarta với chỉ số AQI trung bình là 173. Có khi, TP.HCM còn vượt cả Jakarta về mức độ ô nhiễm không khí.Hệ thống PAMAIR cũng cho thấy dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng ở Sài Gòn với nhiều điểm đều có chỉ số AQI lên trên 150 vào sáng hôm nay.
Ngoài hai thành phố lớn của cả nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng tiếp tục diễn ra vào buổi sáng và buổi tối tại nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó, ô nhiễm nhất là Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Tại TP. Vinh tỉnh Nghệ An cũng có thời điểm chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia, nguyên nhân ô nhiễm ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục được xác định là do hoạt động đốt rơm rạ. Điều này phù hợp với chu kỳ ô nhiễm vào tối, đêm và sáng trong khi buổi chiều chất lượng không khí được cải thiện. Những điểm ô nhiễm nhất ở ven đô và đông bằng Bắc Bộ chứ không phải khu vực nội đô.
Hà Nội nói gì về thông tin là thành phố ô nhiễm nhất thế giới?
Chất lượng không khí ở Hà Nội trong thời gian một tuần trở lại đây liên tục ở mức kém, nguy hại cho sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không thừa nhận những thông tin và chỉ số quan trắc của các hệ thống quốc tế cũng như trong nước, đặc biệt là việc xếp Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí AQI cao nhất thế giới, đồng thời cho rằng, số liệu thống kê chưa đầy đủ và không khách quan.
“So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả TP và cũng không chính xác”, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường phản bác khi trao đổi với tờ Zing về vấn đề này.
Theo lý giải, khu vực Đại sứ quán Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, nên đây là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố. Hơn nữa, theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để đánh giá chính xác chất lượng không khí của cả thủ đô, số liệu phải lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần vào những thời điểm khác nhau trong ngày mới khẳng định đầy đủ và chắc chắn được mức ô nhiễm hay chất lượng không khí của thành phố.
“Nếu chỉ lấy số liệu ở 1 thời điểm, từ 1 trạm quan trắc trong thành phố rộng hơn 3.300 km2 thì không thể chính xác, khách quan được”, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết.
Khi phát biểu về hiện tượng chất lượng không khí xấu trong những ngày gần đây, vị chuyên gia giải thích là do hiện tượng sương mù dày đặc xuất hiện liên tục khiến cho lớp bụi tích tụ bên trong thành phố không thoát ra được. Nồng độ bụi thường xuyên duy trì ở mức cao nên kéo theo chất lượng không khí cũng sụt giảm.
“Thời điểm này ở Hà Nội cũng không phải tốt cho chất lượng không khí, đây đang là thời điểm giao mùa, xuất hiện rất nhiều sương mù bao bọc toàn thành phố, đến gần trưa mới tan được. Chính vì thế nên chất lượng không khí mới kém ở lúc sáng sớm và tối muộn, khác với các xu hướng thông thường”, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường khẳng định.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí của thủ đô vẫn sẽ duy trì ở mức kém trong thời gian tới và phải chờ các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì tình hình mới được cải thiện.
“Theo dự báo của chúng tôi thì khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện”, đại diện Chi cục bảo vệ Môi trường thông tin.
Xác định thủ phạm khiến TP.HCM ô nhiễm nghiêm trọng
Lên tiếng về vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cao Tung Sơn khẳng định, những ngày gần đây (từ 18-22.9), trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là khu vực nội thành xuất hiện sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo đó, đây là hiện tượng thời tiết hết sức bất lợi, mang tính đặc thù thường xuyên trên địa bàn TP.HCM vào cuối tháng mùa mưa (tháng 9, tháng 10) và vào thời điểm giao mùa đông xuân (tháng Giêng, tháng hai).
Theo lý giải của ông Sơn: “Hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra tại TP.HCM mang tính chu kỳ vào khoảng 6-7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10. Tình trạng mù quang hóa diễn ra trong những ngày qua do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết TP luôn ở tình trạng nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù”.
Theo đó, sương mù quang hóa là thuật ngữ miêu tả một dạng ô nhiễm xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển. Nguyên nhân là do ánh sáng mặt trời phản ứng với các khí thải động cơ phương tiện giao thông, công nghiệp tạo ra các hợp chất (ozone, PAN và aldehit) gây độc hại cho sức khỏe con người.
Riêng tại TP.HCM, hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong những ngày diễn ra nghịch nhiệt (một hiện tượng đảo chiều của các thành phần khí trong khí quyển ở những nơi có vĩ độ cao) dẫn đến tình trạng ô nhiễm do khói bị kẹt lại và nằm gần mặt đất hơn, gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Theo kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí trong tháng 9.2019 cho thấy, chất lượng môi trường không khí từ 3.9 đến 20.9.2019 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như: bụi lơ lửng, PM10, NO2, SO2, CO, PM2,5 trong các ngày 18 - 20.9. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2,5 có tỉ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20.9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.
Thêm vào đó, những ngày qua TP.HCM không nắng, không đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho hiện tượng các khí ô nhiễm (phát ra từ chính hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân) nằm sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp sương mù do vậy lại càng dày và lâu tan hơn.
Có nhiều chuyên gia môi trường nhận định, ô nhiễm không khí ở TP.HCM những ngày qua là do cháy rừng ở khu vực đảo Sumatra và Kalimanta của Indonesia. Nhưng, trung tâm quan trắc phủ nhận điều này: “Qua tìm hiểu về tình hình phát tán khói mù do cháy rừng tại Indonesia từ 1.9 - 23.9 do Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN thực hiện và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp thì chưa ghi nhận được hiện tượng mù tại các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu và Côn Đảo nên khả năng đây không phải là nguyên nhân chính cho hiện tượng mù quang hóa diễn ra trong những ngày gần đây”, Thanh Niên dẫn lời đại diện cơ quan trên cho biết.
Vì sao chậm thông tin về chất lượng ô nhiễm không khí đến người dân?
Suốt hơn một tuần qua theo dõi thông tin về tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM, chuyên gia môi trường, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng thành phố đã thụ động khi không đưa ra kết quả quan trắc chất lượng không khí để cảnh bảo kịp thời đến người dân. Vị này cho hay, đối với những sự cố như vậy, hầu hết các thành phố lớn thường quan trắc rất nhanh và đưa ra cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hay gửi qua ứng dụng kết nối.
“Người dân sống trong tâm trạng bất an trước hàng loạt thông tin về ô nhiễm không khí nhưng cơ quan chức năng thì lấy mẫu rồi chờ. Trong khi lẽ ra phải quan trắc tự động, cho ra kết quả trong vòng vài giờ. Điều này cho thấy thành phố chưa quan tâm đến vấn đề quan trắc chất lượng không khí”, GS Lê Huy Bá khẳng định.
Bình luận về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cao Tung Sơn thừa nhận Trung tâm đã chậm trễ trong việc công bố thông tin rộng rãi đến người dân. Theo ông Sơn, sự chậm trễ này xuất phát từ phương pháp đo thủ công, giám đoạn. Cụ thể, các chuyên gia, cán bộ trung tâm lấy mẫu định kỳ, đem vào phòng thí nghiệm, phân tích và chờ đợi kết quả nên thời gian sẽ kéo dài.
“Đơn cử như lấy mẫu để đo mức độ bụi, mẫu mang về phòng thí nghiệm sấy trong 24 giờ, sau đó đưa ra ngoài cho ổn định rồi mới đem đi cân, tổng cộng mất 3 ngày mới có kết quả. Từ kết quả này, trung tâm báo cáo về Sở Tài nguyên Môi trường trước khi chuyển qua Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn công bố trên các bảng thông báo tại một số tuyến đường. Do đó, kết quả quan trắc cùng các cảnh báo đến với người dân thường chậm”, lãnh đạo Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Ông Cao Tung Sơn khuyến cáo, hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ gây các bệnh về hô hấp, mắt. Do đó, khi xuất hiện hiện tượng này thì người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hạn chế ra ngoài tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt hạn chế sử dụng nước mưa, tránh để ngoài trời các thiết bị, thực phẩm.
Ngoài ra, người dân cần nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống đồng thời hạn chế phơi thực phẩm, áo quần.