Việt Nam gây bất ngờ với thế giới: Sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân

Nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế vô cùng lạc quan về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn lo ngại, làm sao để nền kinh tế thực sự ‘hóa rồng’, đặc biệt là thừa nhận, khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Sputnik

Vì sao Việt Nam tăng trưởng vượt bậc?

Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội tổ chức vào tuần trước, Tổng Cục Thống kê đã công bố số liệu rất khả quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,98%, mức tăng cao nhất cùng thời kỳ trong suốt 9 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả đột phá trên khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Việt Nam đã cho thế giới thấy sức trẻ của nền kinh tế

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%)”, thông cáo báo chí về tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2019 khẳng định.

Theo đó, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).

Dữ liệu này cho thấy tín hiệu đáng mừng khi chuyển dịch cơ kinh tế đang khởi sắc. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam không còn quá lệ thuộc vào việc khai thác thô như: dầu thô, than đá hay xuất khẩu khoáng sản để đổi lấy tăng trưởng như những năm trước đây.

Đồng tiền Việt Nam vẫn tiếp tục là hiện tượng

Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo thị trường tiền tệ tháng 9. Đáng chú ý, các dữ liệu đều cho thấy, trong khi hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đều biến động mạnh, thì VNĐ vẫn là một ngoại lệ. Cụ thể đồng KWR và SEK mất giá từ 8% đến 11%, đồng rúp Nga tăng giá 5-7% so với USD. Ngay cả khi tỷ giá giữa đồng USD so với nhân dân tệ vượt quá ngưỡng 7,0 và CNY liên tục giảm giá (tới 4%), áp lực rất lớn và đột ngột, thì đồng tiền Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định.

Thời điểm ghi nhận mức biến động tỷ giá lớn giữa VND và USD là từ cuối tháng 4 đến hết đầu tháng 5 những mức tỷ giá mua vào của các ngân hàng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018 ở mức 23.600đ/USD.

Khát vọng thịnh vượng và đánh giá bất ngờ về nền kinh tế Việt Nam

Tình hình sau đó dần hạ nhiệt và ổn định. Trong tháng 9, tỷ giá USD/VND tăng 10đ/USD trên ngân hàng lên mức 23.140/23.260 những lại giảm 30đ/USD trên thị trường tự do 23.180/23.205. So với thời điểm cuối năm 2018, như vậy tỷ giá giao dịch giữa đồng Việt Nam và USD trên ngân hàng giảm 0,11% và ở thị trường tự do giảm tới 0,39%.

Bên cạnh đó, nguồn FDI giải ngân trong tháng 9/2019 đạt 2,26 tỷ USD tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng tới 60,3% so với tháng trước, lũy kế 9 tháng năm nay đạt 14,2 tỷ USD. Ngoài ra, vốn FDI đăng ký cũng tăng mạnh lên mức 26,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng 2019 thặng dư cao nhất từ trước đến nay, tới 7,1 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối cũng khá tích cực khiến cho nguồn cung ngoại tệ trong quý 3 rất dồi dào. Bất chấp chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng giảm mạnh về quanh mức 0, tỷ giá vẫn đi ngang.

Tỷ giá trung tâm lại tiếp tục được điều chỉnh tăng, mức tăng tổng cộng 9 tháng đầu năm 2019 lên tới 335đ/USD- tương đương 1,47% so với đầu năm lên mức 23.160đ/USD.

Như vậy, các tỷ giá điều hành gồm tỷ giá trung tâm, tỷ giá mua vào - bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều đang ở mức cao hơn so với tỷ giá giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi để NHNN mua thêm ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối.

Theo đánh giá phân tích của Công ty chứng khoán SSI khi nguồn ngoại tệ dư thừa được hút bớt, tỷ giá cuối năm có thể sẽ nhích tăng, tiệm cận về tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức, chuyên gia quốc tế lạc quan về nền kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế chủ động hội nhập nhanh, mạnh với nền kinh tế thế giới.

Mới đây, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) trong báo cáo của mình đã khẳng định, tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) dẫn hàn thử biểu về kinh tế 10 nước Đông Nam Á và khẳng định nếu trong trường hợp tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến chỉ đạt 6,7% vào năm 2019 thì mức tăng này vẫn rất vượt trội so với nhiều nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo của ICAEW, Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế chung trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực, chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực (Malaysia là gần 6%). Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do đà xuất khẩu chậm lại đè nặng lên sự tăng trưởng.

Ban bí thư chỉ thị xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,7% cho cả năm.

Riêng ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tiếp tục tin tưởng Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2021.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng ra thông báo cho biết mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn là rất cao trong năm 2019 và năm 2020, các con số tương đương là 6,8% và 6,7%. Các dự báo lạm phát được ADB điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước gia tăng sẽ bù đắp cho sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick khẳng định: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp”.

Một Việt Nam không ngừng mơ ước

Tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức đã có những chia sẻ đầy lạc quan về nền kinh tế, về một Việt Nam không ngừng mơ ước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo từ mức rất cao, trên 53% năm 1992 (mức 1,9 USD một ngày, theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần, chỉ còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, tầng lớp trung lưu cũng tăng lên, chiếm hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.

Thủ tướng Việt Nam phát biểu: “Một Việt Nam không ngừng mơ  ước và luôn hành động quyết liệt để hiện thức ước mơ trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển vừa qua và tiếp tục trên con đường tiến tới tương lai”.

Diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam diễn ra vào 2/5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, những điều Việt Nam còn chưa khắc phục được như những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năng suất lao động có tiến bộ nhưng còn thấp. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6. Nhiều địa phương, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn.

“Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ và trong tiến trình còn nhiều gian khó thách thức này rất mong có sự hợp tác, đồng hành của quý vị và cộng đồng quốc tế”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định đất nước mình là mảnh ”đất lành” được nhiều nhà đầu tư quốc tế tin cậy và sẵn sàng là đối tác của nhiều quốc gia, đối tác phát triển trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đã đón làn sóng chuyển dịch sản xuất toàn cầu như Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel…

Một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế 9 tháng đầu năm chính là sự bứt phá từ khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân với những dự án lớn, doanh nghiệp lớn với khát vọng phát triển kinh doanh sản xuất, đầu tư và mang lại giá trị lớn như: dự án VinFast của tập đoàn VinGroup, dự án đầu tư cảng hàng không Vân Đồn của Sungroup, thành tựu sản xuất của nhà máy lắp ráp xe Mazda lớn nhất Đông Nam Á -Trường Hải, hay mới đây là dại dự án 4 tỷ USD xây dựng Thành phố thông minh (Smart City tại Đông Anh do Tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) đều khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức

Dù lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam không thể chủ quan trước những điểm yếu vốn có, những tồn tại và nhiều thách thách bên ngoài.

Bối cảnh khu vực kinh tế quốc tế đang gặp nhiều khó khăn khi chiến tranh thương mại nổ ra khắp nơi, chủ nghĩa bảo hộ, gian lận xuất xứ đang phổ biến. Thế giới đang ở hiểm họa giá dầu và các cuộc chiến tiền tệ lao thang khi một số nước OPEC nguy cơ lâm vào xung đột chính trị, việc FED tăng lãi suất đồng USD hay Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ... cũng và sẽ tác động lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những điểm nghẽn khó giải quyết trong sớm chiều: giải ngân đầu tư công còn chậm chỉ đạt trên 40% Chính phủ giao và dưới 40% Quốc hội phê duyệt. Trong khi đó, mặc dù Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ ban hành, nhiều chính sách lớn của Đảng, Chính phủ ra đời song hiệu quả trong thực tiễn vẫn chậm, nhiều nơi, nhiều chỗ tư tưởng Nghị quyết, quyết sách lớn của đất nước không được thực thi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 (VRDF 2019) cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề nội tại, những điểm yếu cần khắc phục của nền kinh tế Việt Nam.

“Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”, Bộ trưởng khuyến nghị.

Trong hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước khi nghĩ đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, Việt Nam cần chú trọng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, bởi đây chính là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế vẫn chưa cao. Theo báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018, năng suất lao động của Việt Nam dù đã có những bước tăng trưởng nhưng hiện vẫn đang ở tầm thấp nhất châu Á. Dù đạt mức tăng 36% tuy nhiên, thực tế, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/16 Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu vẫn chưa mạnh.

Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng: Kinh tế nhà nước vừa qua có nhiều thất thoát, đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân

Tại Diễn đàn thường niên Cải cách và Phát triển Việt Nam được tổ chức gần đây ở Hà Nội, Tiến sĩ David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ) nói:

“Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt và để làm được điều này buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách. Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém, đơn cử quy trình phá sản còn phức tạp gây khó khăn để doanh nghiệp tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất doanh nghiệp”, Dân trí trích phát biểu của ông David Dollar khẳng định.

Cơ chế thị trường chính là lĩnh vực cải cách thứ hai mà ông Ousmane Dione đề cập. Theo đại diện của WB, dù Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, quốc gia này vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đảm bảo yếu tố cạnh tranh tích cực.

“Làm thế nào Việt Nam có thể hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng?”, ông Ousmane Dione đặt vấn đề.

Về vai trò của kinh tế tư nhân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nhận định, trong khi kinh tế Nhà nước chậm thay đổi, các động lực mới chưa có, khu vực tư nhân đã và đang trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế.

“Vai trò kinh tế tư nhân là tốt thật, khẳng định thật! Đó là sự thật và chúng ta phải tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân thực sự phát triển. Cơ hội mất đi sẽ không lấy lại được, tư nhân và Nhà nước nếu hợp lực thì cơ hội cho nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nữa”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thảo luận