Giới chuyên môn nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam khi GDP mỗi quý vượt 7%
Theo Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam sau khi dữ liệu cuối tuần này cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% trong quý III.
Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Nền tảng của thay đổi này là đánh giá cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững trong quý IV. Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. hiện đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 lên 7%, so với trước đó là 6,8%.
Trong khi đó, United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh mức dự báo thành 6,8%, từ mốc 6,7% trước đó, trong khi Capital econom Ltd. giữ nguyên mức tăng là 7%.
Tăng trưởng vững trong cả xuất khẩu và sản xuất đã đưa mức tăng quý III của Việt Nam đạt 7,31%, bất chấp sự suy yếu nền kinh tế trong khu vực do thương chiến Mỹ-Trung và căng thẳng thương mại Nhật-Hàn gây ra. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ đầu năm ngoái, phản ánh dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng vào Việt Nam, khi các doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng và “nhu cầu nội địa tăng cao, thể hiện qua mức tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ gần đây”, sẽ giữ ổn định đà phát triển vào cuối năm nay và đầu năm sau, hai chuyên gia kinh tế của Maybank, Linda Liu và Chua Hak Bin cho biết trong nghiên cứu.
Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP đột biến
Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội tổ chức vào tuần trước, Tổng Cục Thống kê đã công bố số liệu rất khả quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,98%, mức tăng cao nhất cùng thời kỳ trong suốt 9 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả đột phá trên khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
“Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%)”, thông cáo báo chí về tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2019 khẳng định.
Theo đó, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).
Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
Trong khi nền kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm với hàng loạt yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng như: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu. Niềm tin kinh doanh của giới đầu tư và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới cũng theo xu hướng giảm, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019, tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,7% cho cả năm.
Riêng ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tiếp tục tin tưởng Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2021.
GDP Việt Nam sẽ khó tăng trưởng cao năm 2020
Phát biểu đánh giá mức tăng 6,98% trong 9 tháng đầu năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng con số này là mức tăng khá đột biến nếu so với cùng kỳ các năm. Đây chính là dầu hiệu lạc quan của nền kinh tế và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019 là rất cao.
“Xu hướng lạc quan này vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, ít nhất là tới hết năm 2019. Kinh tế vĩ mô đang ổn định thực sự, có sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, cũng nên nhìn nhận quý III là quý chi tiêu cho du lịch, nghỉ dưỡng, năm học mới… rất cao nên góp phần kéo mức chi tiêu chung 9 tháng lên cao”, NLĐ dẫn bình luận của TS. Độ khẳng định.
Tuy nhiên, vị Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Tài chính cũng lo ngại nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ xu hướng giảm chung của kinh tế thế giới. Theo ông Độ, năm 2020 thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế rất cao.
“Việt Nam tất yếu bị ảnh hưởng, tăng trưởng GDP dự báo không còn cao nữa, tất nhiên không đến nỗi đen tối như giai đoạn suy thoái 2008-2009”, vị chuyên gia bày tỏ sự lo ngại.