Việt Nam yêu cầu Facebook định danh tài khoản người dùng

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản người dụng tại Việt Nam, áp dụng trước hết tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, chỉ các tài khoản đã định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream).
Sputnik

Việt Nam yêu cầu Facebook, Google tuân thủ Luật An ninh mạng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Quốc hội việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Ông Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh trao đổi với Facebook, Google, yêu cầu các công ty này hợp tác nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mạng xã hội Made in Vietnam "sao chép" y hệt Facebook, CEO tuyên bố "chúng tôi còn đang đi trước cả Facebook"

Chính phủ cũng yêu cầu Facebook, Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng cho Việt Nam để trao đổi các vấn đề còn tồn tại, tập trung vào 3 nhóm vấn đề trọng tâm: vi phạm về nội dung (bao gồm cả trong quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.

Chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh về an ninh, chính trị, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm các quy định của Luật An ninh mạng như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, cũng như mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến nay, Google đã hợp tác ngăn chặn hơn 8192 video clip, gỡ bỏ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, gỡ 108/111 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên Google Play.

Trong khi đó, Facebook cũng đã gỡ bỏ 249/257 tài khoản giả mạo,  2458 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp, cũng như hơn 251 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game đánh bạc.

Apple cũng gỡ bỏ 13/17 trò chơi điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam trên AppStore.

Facebook phải định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam

Để hạn chế fake news (tin giả, tin sai sự thật) trên Facebook và Youtube, hạn chế hiện tượng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Facebook nhanh chóng cấp blue stick (stick xanh - dấu xác thực tài khoản) cho fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như yêu cầu Facebook chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước sau khi có sự đồng ý từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc xác thực từ chính cơ quan, tổ chức đó.

Liệu Việt Nam có đánh bại được Facebook ngay trên chính sân nhà?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc đấu tranh với các công ty như Facebook, Google nhằm xử lý các tài khoản, kênh, fanpage, video clip,… của các tổ chức phản động, phần tử cơ hội,… vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này có nguyên do là bởi hai công ty này đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi đánh giá, xử lý nội dung.

Có nhiều trường hợp, hai nhà cung cấp dịch vụ này không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng chúng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, áp dụng trước ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, Bộ yêu cầu phải có chính sách quy định, chỉ có các tài khoản đã định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream). Bên cạnh đó, Facebook cũng được yêu cầu phải có chính sách tìm kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đây là cơ quan thực hiện chức năng giám sát trung tâm, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trung tâm này cũng là nơi quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, cơ sở dữ liệu về an toàn thông tin, hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin.

Việt Nam là một trong 7 quốc gia có người dùng Facebook nhiều nhất thế giới

Ngày 7.10, Android Police cho biết, Facebook vừa chính thức trở thành ứng dụng từ bên thứ ba đầu tiên (không phải ứng dụng của Google) cán mốc 5 tỷ lượt tải về trên Google Play. Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên khi đây là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,234 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng (theo dữ liệu năm 2018). Có thể còn phải rất lâu nữa mới có một ứng dụng từ bên thứ 3 khác đạt tới cột mốc này.

"Việt Nam cần có mạng xã hội riêng “made in Vietnam” thay Facebook"

Thống kê của Hootsuite và We Are Social cho biết, tính đến tháng 4 năm 2018, có 58 triệu người Việt Nam dùng Facebook. Việt Nam lọt top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, đã có đến 14 triệu người dùng, đứng trong top 6 thành phố có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới.

Người sử dụng mạng xã hội này là các đối tượng trải dài từ học sinh tiểu học đến những người trên 65 tuổi. Độ tuổi trung bình và đông nhất trên Facebook là 30 tuổi.

Báo cáo của Social Media Stats cho hay, tính đến tháng 5 năm 2019, tại Việt Nam có 57,43% người dân sử dụng Facebook, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp những mối lo ngại về thu thập dữ liệu người dùng, như đã từng diễn ra hồi năm 2018 với vụ scandal nổi tiếng Cambridge Analytica, buộc ông chủ mạng xã hội này phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Thảo luận