Vụ Bãi Tư Chính: Việt Nam sẽ không mắc bẫy thâm độc của Trung Quốc

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói nếu lực lượng Việt Nam nổ súng trước sẽ rơi vào âm mưu thâm độc của Trung Quốc là phát động tấn công xâm lấn Biển Đông.
Sputnik

Vì sao Trung Quốc cố tình tạo ra căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính?

Tại buổi tiếp xúc, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đã trao đổi khá thẳng thắn với cử tri TP.HCM trước kỳ họp Quốc hội về các vấn đề liên quan đến vụ Bãi Tư Chính, căng thẳng trên Biển Đông cũng như đường lối chính sách ngoại giao kiềm chế nhưng cương quyết của Việt Nam. Tổ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngoài Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng còn có bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

Tham dự buổi tiếp xúc lần này, cử tri quận 7 TP.HCM đồng loạt bày tỏ sự quan tâm đến tình hình Biển Đông đặc biệt là những diễn biến tại khu vực Bãi Tư Chính hiện nay như thế nào. Người dân mong muốn được nắm thông tin để có hành động cụ thể, thể hiện tình yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc đúng đắn nhất.

Vụ Bãi Tư Chính: Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc?

Phát biểu trả lời cử tri, Phó Chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng tuyên bố: Việt Nam có đủ căn cứ về lịch sử và pháp lý để tuyên bố Bãi Tư Chính là của Việt Nam. Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 quy định, các quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế từ đường cơ sở ra là 200 hải lý. Trung Quốc không phải là quốc gia ven biển có chủ quyền tới tận Bãi Tư Chính. Họ chỉ đang lấy cái cớ là chủ quyền của họ ở Trường Sa và Hoàng Sa, để tính 200 hải lý từ 2 quần đảo này. Nhưng cớ này không hợp lý bởi Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang vin vào cớ họ có chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa để giành quyền ở bãi Tư Chính. Nhưng ngay cái cớ này cũng đã không hợp lý, vì Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc, họ chỉ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, điều này cả thế giới đều biết. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về việc này”, Tuổi trẻ dẫn phát biểu của Phó Chính ủy Quân khu 7 cho biết.

Về lý do vì sao Trung Quốc cố tình tạo ra căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính, Thiếu tướng Hoàng cho rằng, Việt Nam có đường ra biển rộng lớn hơn 3.000km, chưa kể vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, đường ra biển của Trung Quốc bị bí bách vì đụng với nhiều quốc gia khác. Do vậy để phát triển ra biển, Trung Quốc có tham vọng xác lập chủ quyền trên Biển Đông.

Việt Nam sẽ không mắc bẫy của Trung Quốc vụ Bãi Tư Chính

Phó Chính ủy Quân khu 7 tiết lộ, hiện nay các lô dầu mỏ ở Bãi Tư Chính vẫn đang tiến hành khai thác bình thường. Phía Trung Quốc có hơn 40 tàu cùng nhóm nghiên cứu khảo sát hải dương địa chất nhưng phía Việt Nam cũng đã đưa 50 tàu ra bảo vệ chủ quyền.

Thêm vào đó, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng lưu ý, chúng ta phải rất khôn ngoan và thận trọng để không mắc bẫy của Trung Quốc. Nếu lực lượng của ta nổ súng trước thì sẽ rơi vào âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là phát động công cuộc xâm lấn biển, có cớ để họ cáo buộc Việt Nam là “bên khởi động xung đột”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Báo cáo của Chính phủ nên đề cập vụ Bãi Tư Chính

Phó Chính ủy Quân khu 7 khẳng định, Việt nam và Trung Quốc trước nay vẫn luôn có quan hệ ngoại giao tốt, là láng giềng “hữu hảo”, thế nhưng chính tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc làm sứt mẻ tình cảm hữu nghị giữa hai nước. Để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam vẫn đang đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao hòa bình.

“Ta cứ nhường nhịn vậy liệu có ảnh hưởng gì đến bãi Tư Chính không? Xin báo với bà con là không. Họ vô quấy phá thì ta đẩy đuổi. Nhưng trong việc giữ gìn chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta vẫn đang thực thi rất tốt” - Phó chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cũng chia sẻ về việc có nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam nên đưa vụ Bãi Tư Chính là Hội đồng Bảo an LHQ đồng thời xem xét kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài quốc tế.

“Có người hỏi rằng chúng ta có sẵn sàng kiện Trung Quốc hay không, có sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc hay không. Những điều này là đều có thể hết, nhưng không phải là điều chúng ta mong muốn”, SGGP trích lời Thiếu tướng Hoàng nhấn mạnh.

Theo Phó chính ủy Quân khu 7 lý giải, Việt Nam, trước hết vẫn ưu tiên sử dụng mọi biện pháp chính trị, ngoại giao, khi nào đã sử dụng hết những phương thức này mà vẫn không thể bảo toàn được chủ quyền thì mới tính đến phương án khởi kiện. Nhưng hiện nay, rõ ràng, biện pháp ngoại giao vẫn còn xử lý được, Việt Nam đã sử dụng đến cấp độ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phản đối lên Liên Hợp quốc và vẫn còn biện pháp ở cấp độ cao hơn là Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước.

“Nghĩa là phải dùng hết biện pháp chính trị, ngoại giao thì quốc tế cũng sẽ nhận thấy rằng Việt Nam tôn trọng hòa bình, Việt Nam đã xử lý tranh chấp quốc tế bằng chính trị ngoại giao, rồi mới thưa ra quốc tế, chứ Việt Nam không vội vàng việc này”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng bổ sung.

Vị Thiếu tướng phân tích, Việt Nam không muốn rơi vào âm mưu của các thế lực, họ muốn chúng ta đối đầu để họ có lợi.

“Trời sinh ra chúng ta đã là láng giềng với Trung Quốc. Vấn đề là đối sách ra sao để vừa giữ được bang giao, vừa giữ được cả chủ quyền đất nước. Nếu xảy ra chiến tranh là người dân khổ, bên nào thắng thì người dân đều khổ và thiệt hại kinh tế đã thấy rất rõ ở những quốc gia hiện nay vẫn còn chiến tranh”, vị thiếu tướng khẳng định.

Phó chính ủy Quân khu 7 cho hay, đến nay Việt Nam vẫn đang giữ gìn rất tốt chủ quyền trên biển, nhất là ở Bãi Tư Chính.

“Đây là an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện đảm bảo phát triển đất nước. Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề này. Cử tri yên tâm, khi có vấn đề gì sẽ có thông tin chính thống để cùng với quân đội bảo vệ chủ quyền đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng khẳng định.

Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong đối thoại an ninh với Ấn Độ?

Phát biểu trả lời phỏng vấn tờ Hindustan Times của Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại quốc gia này, ông Phạm Sanh Châu khẳng định Việt nam sẽ đề cập tới tình hình Biển Đông trong đó có việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh thường niên với Ấn Độ vào cuối tháng này.

Cụ thể trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Trung Quốc ở Biển Đông, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay, chỉ trong tháng 7, các tàu của Trung Quốc đã 4 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với khoảng 28 tàu.

Vụ Bãi Tư Chính: Trung Quốc đang thử thách sự kiên nhẫn của cả Việt Nam và Mỹ

Theo ông Phạm Sanh Châu, vụ xâm phạm mới nhất được ghi nhận vào ngày 30.9 và hiện vẫn đang tiếp diễn, dù phía Việt Nam đã 40 lần trình bày vấn đề với phía Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao kể từ vụ xâm phạm lần đầu tiên cách đây ba tháng.

“Chúng tôi đã khẳng định với Trung Quốc rằng họ không nên xâm phạm vùng biển của Việt Nam và yêu cầu nước bạn rút tất cả các tàu về càng sớm càng tốt”, Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu.

Nhà ngoại giao Việt Nam bổ sung thêm rằng trong cuộc đối thoại an ninh thường niên với Ấn Độ dự kiến tổ chức ở TP.HCM trong tháng này, Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi hi vọng có thể trình bày không chỉ về an ninh của hai nước mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nêu tình hình hiện tại ở Biển Đông trong cuộc đối thoại”, Đại sứ cho hay.

Thảo luận