Bắc Kinh đang thử thách không chỉ Việt Nam mà cả Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sau những căng thẳng liên quan đến Bãi Tư Chính.
Biển Đông: Căng thẳng không chỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam
Bài viết mới đây đăng trên tạp chí National Interest phân tích rõ thêm về những tranh chấp trên biển thời gian qua và phương thức hành xử có nhiều khác biệt giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8, tàu khảo sát thuộc một tập đoàn do chính phủ Trung Quốc điều hành, đã bắt đầu khảo sát vùng đáy biển rộng lớn vào ngày 3 tháng 7 ở phía đông bắc Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Con tàu được hộ tống bởi một số tàu khác, bao gồm từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và dân quân hàng hải. Đồng thời, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cũng quấy rối các hoạt động khoan của Việt Nam ở phía nam.
“Những vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam không phải là hiện tượng mới. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra gần đây vào năm 2014, khi Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu khí vào EEZ của Việt Nam, gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước láng giềng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại ở Bãi Tư Chính đang thể hiện thách thức nghiêm trọng hơn ở nhiều cấp độ”, NI nhận định.
Đầu tiên, các hoạt động khảo sát của Hải Dương Địa Chất 8 đang đặt ra một thách thức pháp lý: nó chứng minh rằng Trung Quốc đang kiên trì theo đuổi kiểm soát hành chính trong phạm vi đường chín đoạn. Đây là lần đầu tiên họ tham gia vào một cuộc khảo sát như vậy kể từ khi đường chín đoạn bị tuyên bố là bất hợp pháp bởi phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.
Bắc Kinh đang công khai thể hiện sự bất đồng về tính hợp pháp của các quyền thềm lục địa được bảo đảm bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Khu vực này là nơi Việt Nam đã khai thác trong nhiều thập kỷ. Nhưng Bắc Kinh hiện đang cố gắng gây hấn trên khắp vùng biển, mà trước đây chưa được phân định chủ quyền rõ ràng.
Các hành động của Trung Quốc cũng đặt ra một thách thức ngoại giao: Bắc Kinh đang thử thách không chỉ Việt Nam mà cả Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Phản ứng quốc tế sẽ là im lặng như sau phán quyết của trọng tài năm 2016? Trung Quốc đang “công khai xúc phạm” việc theo đuổi hòa bình bằng cách giải quyết tranh chấp thông qua bộ quy tắc ứng xử với ASEAN. Tất cả chỉ tồn tại trên giấy tờ. Hành động của Trung Quốc đã dập tắt hy vọng rằng một bộ quy tắc ứng xử sẽ có tác động thực sự trong việc xử lý các tranh chấp hoặc kiềm chế hành vi của Trung Quốc.
Cuối cùng, hành động của Bắc Kinh thực sự là một thách thức kinh tế. Sự chèn ép liên tục của Trung Quốc nhắm vào những yêu sách trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhằm buộc các nước khác tham gia vào kế hoạch thăm dò chung với Bắc Kinh, ngay cả ở những vùng biển đang tranh cãi.
Thật ra, cũng khó mà tìm ra được thời cơ tốt để tiến hành những hoạt động “bắt nạt” trên biển, nhưng lần “thử thách” này của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Hà Nội đặc biệt bận rộn, đang phải gấp rút chuẩn bị không chỉ cho chức chủ tịch ASEAN sắp tới và nhiệm kỳ 2020-2021 ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn cho Đại hội Đảng lần thứ 13 và kèm theo việc thay đổi lãnh đạo tiềm năng vào đầu năm 2021.
Bắc Kinh đã tăng cường gây áp lực ở Biển Đông không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với Malaysia và Philippines. Sẽ không hợp lý khi cho rằng các chiến thuật mà Việt Nam áp dụng vào năm 2014 sẽ có hiệu quả tương tự như trong tình trạng hiện nay, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang bất chấp việc đánh mất uy tín để đạt được mục đích của mình.
Bất kỳ nỗ lực nào với chính sách ngoại giao “la làng” (megaphone diplomacy) trong thời gian này sẽ cần được phối hợp nhiều hơn với cả Hoa Kỳ, nước đã đưa ra quan điểm của mình, cũng như với những người ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc này. Nhưng ngay cả như vậy, chỉ thông qua ngoại giao khó có thể mang đến một giải pháp bền vững.
Hà Nội chọn biện pháp hòa bình
Do đó, Việt Nam đã tránh theo đuổi mối quan hệ quân sự chặt chẽ với các cường quốc hoặc sử dụng biện pháp pháp lý khác đối với Trung Quốc, vì điều đó sẽ đưa đất nước vào thế đối nghịch với Bắc Kinh. Hà Nội cũng muốn kiểm soát tâm lý bài Trung Quốc tại Việt Nam và ngăn chặn các cuộc biểu tình hoặc bất ổn tiềm tàng nhằm phản đối hoạt động phi pháp của Bắc Kinh.
Đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần nhắc lại:
“Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông
Không giống như năm 2014, Bắc Kinh đang đồng thời gây áp lực lên nhiều hơn một bên yêu sách Đông Nam Á. Đây là một thử nghiệm thực sự cho cả ASEAN và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và kinh tế theo trật tự pháp lý.
Trừ khi các nước trong khu vực sẵn sàng vượt qua lợi ích riêng của quốc gia để lên tiếng ủng hộ các bên yêu sách khác, việc vi phạm trật tự dựa trên quy tắc hàng hải sẽ trở thành một điều bình thường và không còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm các quyền được UNCLOS đảm bảo, phải được ủng hộ và bảo vệ bởi tất cả mọi người, kể cả những nước không có tranh chấp liên quan. Cho đến nay, mới chỉ có Hoa Kỳ có lập trường công khai và rõ ràng về các hoạt động của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính.
ASEAN - mặc cho các cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra trong giai đoạn này - đã tránh đưa ra vấn đề này trong các tuyên bố chung, nhưng đã tranh luận về vấn đề này trong các cuộc họp. Tại cuộc đối thoại chiến lược gần đây giữa Mỹ, Nhật Bản và Úc bên lề các cuộc họp ASEAN, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các ngoại trưởng Taro Kono và Marise Payne đã bày tỏ quan ngại về 'các báo cáo đáng tin cậy về hoạt động gây rối liên quan đến dầu mỏ và dự án khí đốt ở Biển Đông'.
Các cuộc tham vấn của AUSMIN tại Sydney cuối tuần trước đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ tính pháp lý của UNCLOS, hiệu lực phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 và tầm quan trọng của tự do hàng hải. Trong khi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động đơn phương cưỡng chế bởi bất kỳ quốc gia yêu sách nào có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, một lần nữa tuyên bố tránh nêu đích danh quốc gia đang là “thủ phạm” gây ra căng thẳng.
Bài học về phản ứng quốc tế “im lặng” đối với phán quyết của trọng tài năm 2016 là quá rõ ràng để không cho phép đưa ra phản ứng yếu kém khác. Bế tắc hiện tại đóng vai trò là bằng chứng cho thấy sự “chèn ép” của Trung Quốc sẽ tiếp tục và quy tắc ứng xử không tạo ra sự khác biệt nào trong kế hoạch của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Đây có thể là một cuộc khủng hoảng đối với riêng Việt Nam, nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng thích hợp với các hành vi vi phạm UNCLOS và xâm phạm thềm lục địa của nhà nước có chủ quyền.