Chuyên gia UNESCO bình luận về vụ khách sạn Panorama trên Mã Pí Lèng

Giáo sư Guy Martini - Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO, cho biết ông rất ngạc nhiên với vụ công trình khách sạn 7 tầng xây dựng trái phép ở đèo Mã Pí Lèng. Vấn đề này không hề được tham vấn với UNESCO.
Sputnik

UNESCO đã khuyến nghị gì đối với Mã Pí Lèng?

Trước đó, khi nói chuyện với phóng viên báo chí, chủ đầu tư công trình Mã Pì Lèng Panorama cho biết khách sạn này đã được thực hiện vì “chuyên gia UNESCO khuyến nghị xây công trình”.

Tuy nhiên, giáo sư Guy Martini, chuyên gia của UNESCO cho hay, ông không hề nhận được tham vấn nào từ chủ đầu tư Panorama, và bày tỏ việc xây dựng là “một bất ngờ đáng buồn”. Được biết, ông Guy Martini cũng là người trực tiếp gửi khuyến nghị cho tỉnh Hà Giang về phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hồi tháng 2.2018.

Nhóm đàn ông khỏa thân trên đèo Mã Pí Lèng: Bọn điên muốn đánh bóng tên tuổi?

Trong khuyến nghị đó, ông đã đưa ra nhiều nhận định, gợi ý cụ thể cho việc bảo tổn, gìn giữ, phát huy cho khu vực đèo Mã Pí Lèng và khu công viên đá Đồng Văn.

Theo đó, giáo sư Guy Martini nhận thấy khu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO có lượng du khách tăng đáng kể những năm gần đây, đặc biệt là trên tuyến đường Mã Pí Lèng. Ông cho rằng, cần có sự phát triển bền vững ở khu vực này, bởi phần lớn dân cư ở đây là người nghèo.

Ông cũng thấy được nhiều mối nguy hiểm ở đây khi dân địa phương và du khách dừng đỗ phương tiện (ô tô, xe máy) ngay giữa đường. Không những thế, du khách đi bộ cũng gặp nhiều nguy hiểm với điều kiện giao thông, địa hình ở đây.

“Vì những lý do này và sau trao đổi đồng thuận với các chuyên gia Việt Nam, tôi đề xuất việc nghiên cứu và thiết lập, nếu có thể, khu vực đỗ xe kết hợp với điểm ngắm cảnh mà có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan và ngắm một số yếu tố địa chất đặc trưng riêng của khu vực”, Zing dẫn lời giáo sư Guy Martini cho biết.

Giáo sư Guy Martini nhận xét, trong lần đến thăm khu vực này lần gần đây nhất, ông đã nhận thấy một số chuyển biến tích cực như việc xây bãi đỗ và điểm ngắm cảnh.

“Tôi cũng được thông báo là một quán café/bar nhỏ sẽ được dựng ở đó để cung cấp dịch vụ thêm cho du khách. Với tác động tương đối ít của những công trình nhỏ này, theo miêu tả (từ phía địa phương), phản ứng của chúng tôi là tích cực”, ông nói.

“Công trình Mã Pí Lèng chưa bao giờ được tham vấn”

Nói về vụ công trình khách sạn Panorama xây dựng trái phép, giáo sư Guy Martini cho biết ông không hề nhận được bất kỳ tham vấn hay thông báo gì về vấn đề này.

“Tôi chưa bao giờ được thông báo hay tham vấn về việc có thể xây nhà nghỉ 7 tầng ở đó. Vì vậy sự xuất hiện của khách sạn này là bất ngờ đáng buồn lớn đối với tôi”, giáo sư bày tỏ.
“Về mặt logic thì Ban quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ ra toàn bộ quyết định liên quan tới các công trình xây dựng trong khu công viên. Công việc của ban quản lý bao gồm cả việc kiểm tra thường xuyên tình hình thay đổi hiện trạng ở đây và các vùng đất xung quanh.
Tôi rất ngạc nhiên khi một công trình vi phạm pháp luật ở khu vực nhạy cảm vậy mà Ban quản lý Công viên Đồng Văn không phát hiện và ngăn chặn trước khi công trình hoàn thành”, giáo sư Guy Martini giải thích cụ thể.

Theo ông, không giống như hai danh hiệu khác của UNESCO là Di sản thế giới và Khu dự trữ sinh quyển, Công viên địa chất UNESCO là khu vực phát triển bền vững (tức có thể xây dựng). Tuy nhiên, khu vực chính của di sản vẫn cần được bảo vệ.

Công trình sai phạm xây trên đèo Mã Pí Lèng trái quyết định của Thủ tướng?
“Điều này đòi hỏi việc phân tích và cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và các vấn đề phát triển luôn là thách thức cho chúng tôi, trong nhóm phát triển Công viên địa chất UNESCO ở Việt Nam”, ông nói.

Theo ông, cần xây dựng và duy trì các trao đổi gần gũi và rõ ràng với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương, đi kèm với việc chú ý tới lợi ích của vùng đất và người dân ở đây.

“Các trao đổi này đúng ra cần được bắt đầu từ rất lâu trước khi tiến hành bất cứ công trình nào và với tinh thần tích cực để tìm kiếm các phương án thay đổi mà bảo tồn được cảnh quan và đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cá nhân tôi nghĩ các trao đổi này là rất cần và tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tìm được ra giải pháp dung hòa cả hai giữa bảo tồn và phát triển kinh tế”, giáo sư Guy Martini bày tỏ.

Huyện Mèo Vạc có hiểu sai khuyến nghị của UNESCO?

Trước đó, lãnh đạo huyện Mèo Vạc, ông Nguyễn Cao Cường (Chủ tịch UBND huyện) cho hay, trước khi có tòa nhà 7 tầng Panorama, huyện đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại ví trí này. Chủ trương này bắt nguồn từ việc các chuyên gia tư vấn của UNESCO đến khảo sát để chuẩn bị tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng về công trình sai phạm trên đèo Mã Pí Lèng

Chủ tịch huyện Mèo Vạc cho biết, chính UNESCO đề nghị tại vị trí hiện là nhà nghỉ Panorama cần xây dựng một điểm dừng chân để ngắm hẻm vực Tu Sản.

“Tuy nhiên khu vực này lại đúng vào mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình bà Ánh, họ đã mua từ rất lâu. Gia đình bà Ánh cũng mong muốn làm một điểm dừng chân nên đã tiến hành xây dựng”, ong Nguyễn Cao Cường phát biểu với Zing khẳng định.

Lý giải của Chủ tịch huyện Mèo Vạc như sau: vì địa phương không có tiền nên có nhà đầu tư làm được thì rất khuyến khích. Chính quyền địa phương luôn mong muốn các tổ chức cá nhân đến đầu tư phát triển du lịch tại đây. Nhưng ban lãnh đạo luôn xác định quan điểm là việc đầu tư phải trên cơ sở quy định pháp luật.

“Chúng tôi cũng yêu cầu bà Ánh phải xây công trình thân thiện với môi trường, phù hợp cảnh quan. Tuy nhiên, khi bà này thiết kế công trình thì chúng tôi không được xem xét các thủ tục, hồ sơ, chủ yếu là bà ấy tự ý”, ông Cường thanh minh.

Khi chính quyền phát hiện ra thì dự án đang thi công dở các tầng âm. Huyện Mèo Vạc theo đó đã giao cho Phòng Kinh tế- Hạ tầng lập biên bản, yêu cầu bà Vũ Ngọc Ánh phải hoàn thiện giấy tờ thủ tục. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc bổ sung thêm nếu được giữ lại, lãnh đạo địa phương sẽ yêu cầu chủ đầu tư cải tạo lại công trình theo hướng hòa nhập hơn với cảnh quan môi trường ở đây.

Thảo luận