Bộ VH-TT&DL nói về sai phạm của công trình 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng
Sáng 8.10, cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch diễn ra tại Hà Nội.
Tại đây, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình đã trả lời truyền thông về vấn đề sai phạm trong việc xây dựng công trình 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Tuy nhiên, Điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.
Đến nay, Bộ VH-TT&DL vẫn chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng bên hông đèo Mã Pí Lèng.
Về việc xử lý công trình sai phạm, ông Nguyễn Thái Bình cho hay, hôm nay ngày 8.10, Cục Di sản văn hóa đã cử đoàn lên kiểm tra thực tế để có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh quốc gia:
“Để xảy ra sự việc hiện nay là trách nhiệm thuộc về tỉnh Hà Giang. Nhà chúng ta cần sửa rất nhỏ ngay lập tức chính quyền hỏi ngay. Công trình xây 7 tầng không thể không biết được”, VOV trích phát biểu của Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho biết, tỉnh Hà Giang đồng ý xây dựng điểm ngắm cảnh, chặng dừng chân ngắm cảnh cho du khách và đã có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan. Nhưng trong quá trình thực thi, chủ đầu tư cố tình thực hiện sai chỉ đạo của chính quyền địa phương, cố tình vi phạm pháp luật.
Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ là cho dù doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật. Những công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ VHTT&DL không ủng hộ.Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng”.
Đáp lại “lời đe dọa” nhảy xuống sông Nho Quế tự tử của chủ đầu tư công trình sai phạm Panorama, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL nói thẳng:
“Không nên lôi sinh mệnh của cá nhân tạo áp lực ngược với luật pháp. Khi sai thì nhận thức cái sai để khắc phục sửa chữa, doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật không thể bắt xã hội gánh chịu”.
Về vấn đề này, thay mặt cho Tổng Cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng cũng nêu ý kiến rằng: “Điểm du lịch trên đèo Mã Pì Lèng có yếu tố hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thăm quan của du khách. Tổng cục Du lịch khuyến khích ngành du lịch đầu tư sáng tạo, phát triển điểm du lịch mới. Tuy nhiên, các điểm du lịch phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch, phải tuân thủ pháp luật về trình tự và pháp luật’.
Trách nhiệm thuộc về huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư
Sau khi báo chí phản ánh, bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc phát biểu với báo giới cho biết, nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà hàng nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.
Bà Sinh thông tin, từ sự tư vấn của nhiều chuyên gia, huyện Mèo Vạc đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản, tạo điều kiện cho du khách tham quan.
Đến tháng 3.2018, Chủ tịch tỉnh Hà Giang giao cho huyện Mèo Vạc xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh hẻm Tu Sản với nguyên tắc “sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực”.
Theo thông tin mà Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc cung cấp, nhà hàng, nhà nghỉ Panorama này do bà Vũ Ngọc Ánh (người địa phương) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, tháng 7.2019 Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu tỉnh Hà Giang kiểm tra quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình trên.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, công trình 7 tầng này chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bà Vũ Ngọc Ánh chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.
Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, dù nằm ngoài vùng bảo vệ II của đèo Mã Pì Lèng, nhưng nhà hàng, khách sạn Panorama, xét theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nhà hàng này chưa có ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ.
“Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư”, văn bản của Cục Di sản văn hóa nêu rõ.
Chủ đầu tư Panorama làm trái lệnh Chủ tịch huyện Mèo Vạc?
Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ đầu tư khẳng định, 10 năm trước bà mua mảnh đất (nơi tọa lạc công trình 7 tầng hiện nay), ngày xưa là mỏm đá hoang với giá 70 triệu.
“Chỉ có đá, không trồng được ngô, ban đầu chỉ tính nuôi ong”, bà Ánh chia sẻ với Trí thức trẻ cho hay.
4 năm sau đó bà tiến hành chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, qua đó chính thức sở hữu mảnh đất này.
“Mua mảnh đất ở sông Nho Quế này là vô tình, vì nó gắn liền với kỷ niệm về người cha và đứa em trai đã khuất”, bà Ánh kể lại đồng thời khẳng định mình không phải cán bộ công chức tại Hà Giang, đằng sau cũng không có ai “chống lưng”, bà cũng không quen một “quan lớn” nào cả.
“Lúc đầu, tôi xây dựng rất đơn giản. Nhưng sau 5 lần tốc mái, tôi quyết định thực hiện công trình thật kiên cố. Nếu tôi lường trước được, thì tôi đã không làm”.
Chủ đầu tư công trình trên đèo Mã Pí Lèng còn tuyên bố, nếu Panorama buộc phải tháo dỡ hay rời đi, chắc chắn “100% rằng dân và các em ở đây sẽ đói”.
Ngoài ra, bà Vũ Ngọc Ánh còn khẳng định mình không tự ý xây dựng công trình mà đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý:
“Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này”.
Trao đổi về tuyên bố của bà Ánh rằng đã nhận được sự ủng hộ, động viên từ chính quyền huyện Mèo Vạc nên mới làm, ông Nguyễn Cao Cường (Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc) ngay lập tức lên tiếng phủ nhận.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho hay, trước khi có tòa nhà 7 tầng Panorama , huyện đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại ví trí này. Chủ trương này bắt nguồn từ việc các chuyên gia tư vấn của UNESCO đến khảo sát để chuẩn bị tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Chủ tịch huyện Mèo Vạc cho biết, chính UNESCO đề nghị tại vị trí hiện là nhà nghỉ Panorama cần xây dựng một điểm dừng chân để ngắm hẻm vực Tu Sản.
“Tuy nhiên khu vực này lại đúng vào mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình bà Ánh, họ đã mua từ rất lâu. Gia đình bà Ánh cũng mong muốn làm một điểm dừng chân nên đã tiến hành xây dựng”, ong Nguyễn Cao Cường phát biểu với Zing khẳng định.
Lý giải của Chủ tịch huyện Mèo Vạc như sau: vì địa phương không có tiền nên có nhà đầu tư làm được thì rất khuyến khích. Chính quyền địa phương luôn mong muốn các tổ chức cá nhân đến đầu tư phát triển du lịch tại đây. Nhưng ban lãnh đạo luôn xác định quan điểm là việc đầu tư phải trên cơ sở quy định pháp luật.
“Chúng tôi cũng yêu cầu bà Ánh phải xây công trình thân thiện với môi trường, phù hợp cảnh quan. Tuy nhiên, khi bà này thiết kế công trình thì chúng tôi không được xem xét các thủ tục, hồ sơ, chủ yếu là bà ấy tự ý”, ông Cường thanh minh.
Khi chính quyền phát hiện ra thì dự án đang thi công dở các tầng âm. Huyện Mèo Vạc theo đó đã giao cho Phòng Kinh tế- Hạ tầng lập biên bản, yêu cầu bà Vũ Ngọc Ánh phải hoàn thiện giấy tờ thủ tục.Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc bổ sung thêm nếu được giữ lại, lãnh đạo địa phương sẽ yêu cầu chủ đầu tư cải tạo lại công trình theo hướng hòa nhập hơn với cảnh quan môi trường ở đây.
Tháo dỡ toàn bộ hay cho tồn tại một phần công trình trên đèo Mã Pí Lèng?
Ngày 7.10, đoàn công tác của Sở Xây dựng, huyện Mèo Vạc, Sở tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư và Sở VH-TT &DL Hà Giang đã tiến hành kiểm tra công trình sai phạm trên đèo Mã Pí Lèng.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang ông Hoàng A Chinh khẳng định:
“Công trình Mã Pì Lèng Panorama đến nay chưa có hồ sơ thiết kế và thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ rõ, công trình không nằm trong vùng bảo vệ cấp 1, cấp 2 của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Mặc dù vậy, Luật Di sản có những quy định riêng. Những vùng nằm ngoài khu vực 2 mà có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan thì phải có ý kiến tham mưu của ngành văn hóa”.
Theo đó, công trình Mã Pí Lèng Panorama đã được xây dựng và triển khai khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng, chưa có sự tham mưu của các ban ngành Văn hóa.
“Để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền huyện Mèo Vạc”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng A Chinh, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu công trình chưa đủ thủ tục thì sẽ bị đình chỉ, không cho xây dựng tiếp, nhưng công trình Panorama này đã hoàn thiện thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng phương hướng xử lý. Có thể phải tháo dỡ hoặc xem xét từng phần một, khu vực nào không ảnh hưởng đến vấn đề di sản thì có thể cho tồn tại.
“Đây là vùng nông thôn, có đồng bào ở trên này, có được sự đầu tư cũng là rất quý, nên phải cân nhắc. Có thể phải tháo dỡ toàn bộ, hoặc xem xét từng phần. Phần nào ảnh hưởng đến di sản, đến môi trường thì tháo dỡ. Còn lại sẽ xem xét chỉnh trang kiến trúc cho phù hợp với cảnh quan. Có thể cho tồn tại một phần diện tích nhất định”.
Phủ nhận “phương án phạt cho tồn tại”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho hay:
“Chúng tôi chưa khẳng định sẽ cho tồn tại công trình hay không vì còn phải họp với các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan văn hoá là cơ quan quản lý di sản và huyện Mèo Vạc. Trong ngày mai, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Theo quy định của Nghị định 39, bây giờ việc phạt cho tồn tại không còn hiệu lực”.
Tuy nhiên, ông Hoàng A Chinh cũng cho biết, cần phải xây dựng điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi là cần thiết và nên làm.
Hôm nay, ngày 8.10, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang sẽ họp với các sở, ngành liên quan để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết.