Vì sao không khí Việt Nam ngày càng ô nhiễm?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chất lượng không khí ở Việt Nam đang kém đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ quan chủ quản nào của Việt Nam đứng ra nghiên cứu bài bản, toàn diện về chất lượng không khí.
Sputnik

Việt Nam chưa có nghiên cứu toàn diện về chất lượng không khí

Tính đến nay, những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu chỉ là những nghiên cứu đơn lẻ và chưa có cái nào toàn diện, cũng như chưa phản ánh đúng bản chất của hiện tượng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền công bố. Các nhà khoa học vẫn chủ yếu nghiên cứu theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, kinh phí tới đâu, nghiên cứu tới đó.

Trong hội thảo về chất lượng không khí tại Hà Nội, diễn ra ngày 27-8, chỉ có một nghiên cứu mới nhất được PGS.TS Trần Ngọc Quang, công tác ở Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường xây dựng thuộc Trường đại học Xây dựng công bố là nói về bụi siêu mịn, còn lại những số liệu liên quan khác được trích dẫn trong hội thảo đều là số liệu của hàng chục năm trước.

Báo cáo gửi Quốc hội về ô nhiễm của Hà Nội lấy số liệu từ năm 2005?

Bên cạnh đó, các nhà khoa học và diễn giả tham dự hội thảo cũng có những tranh luận trái chiều về kết quả nghiên cứu được công bố (về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí).

GS. TS Hoàng Xuân Cơ (Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết, tính đến nay, số liệu của chúng ta rất tản mạn, không tập trung được nên chưa hình thành được cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ, cập nhật năm này qua năm khác, có tính liên tục về thời gian và không gian.

“Vì vậy, cứ ai có nghiên cứu gì, có kết quả gì thì báo cáo. Còn kết nối nó lại để cho ra được một nhận xét chuẩn xác thì lại thiếu”, Nhân dân dẫn lời GS.TS Hoàng Xuân Cơ chỉ rõ vấn đề.

GS Cơ cho biết, ông chỉ mong là làm thế nào có thể tập trung nghiên cứu một cách bài bản để có được bộ số liệu tốt thì mới có thể đánh giá chính xác chất lượng không khí và tìm ra được giải pháp khắc phục. Còn hiện giờ, số liệu mỗi người đưa ra một khác nhau và chưa có một cơ quan nào hay bộ phận nào được giao nhiệm vụ đánh giá đến nơi đến chốn chất lượng không khí và tìm ra giải pháp.

 “Mỗi người làm một mảnh vụn như thế này thì rất khó. Hiện nay chưa có cơ quan chủ quản nào của Việt Nam đứng ra nghiên cứu bài bản, toàn diện về chất lượng không khí. Việt Nam cần nghiên cứu bài bản và làm chủ các số liệu”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận xét.

Ô nhiễm không khí là hệ quả của phát triển kinh tế?

Sáng 11.10, Hội thảo “Hiểu đúng về Ô nhiễm Không khí tại Hà Nội” đã diễn ra. Các nhà khoa học môi trường, đô thị cũng như đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hà Nội có mặt tại sự kiện đã thông tin về chất lượng không khí thời gian qua tại thủ đô.

Các nhà khoa học cũng phân tích về hệ thống, phương pháp cũng như các thiết bị đo đạc chất lượng không khí tại các trang cung cấp AQI (Chỉ số chất lượng không khí) mà người dân đang sử dụng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo gì về tình trạng ô nhiễm môi trường với Thủ tướng?

Nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng".

“Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được”, Zing dẫn phát biểu của GS Cơ cho hay.

Bàn về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, GS Cơ cho rằng mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, mỗi km xe chạy, hay mỗi ngôi nhà, công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí.

“Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng”, ông Cơ cho biết.

Theo đó, chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.

Nhà nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, theo vị chuyên gia, đã có hành động tích cực trong thời gian qua trong việc hạn chế nguồn phát thải ô nhiễm ra môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.

“Nhà nước đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các TP lớn, loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4, ủng hộ thúc đẩy năng lượng sạch”, ông Cơ nhận định.

Tuy nhiên, theo ông, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế.

Các trang quan trắc không chính thống có đáng tin?

TS. Hà Đăng Sơn, công tác tại Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air và cả các cổng thông tin chính thống như Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ.

“So với 3 năm trước, hiện chúng ta có quá nhiều nguồn để tham khảo thông tin chất lượng không khí. Tuy nhiên, chính vì số liệu nguồn thông tin nhiều như vậy nên người dân đang bị ngợp thông tin”, ông Sơn nhận xét.

Ông Sơn cho biết, hiện Hà Nội có 2 loại thiết bị quan trắc được sử dụng chủ yếu. Một là các trạm quan trắc đủ tiêu chuẩn quốc tế để quan trắc không khí trong phạm vi lớn, hai là các máy đo cảm biến, giá rẻ và quan trắc trong phạm vi hẹp.

“Như các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường, đây là các trạm đủ tiêu chuẩn, cho con số đáng tin cậy, nhưng có độ trễ nhất định, số liệu không tức thời, nhanh nhạy. Vậy làm sao để cải thiện chất lượng cung cấp thông tin, làm sao để người dân nhận biết được hiện trạng chất lượng không khí tức thời, tại lúc đó?”, vị chuyên gia đặt vấn đề.

Nhận xét về thông tin từ những trang quan trắc không chính thống như AirVisual, Pam Air, ông Sơn cho hay các trang quan trắc này thường sử dụng các thiết bị cảm biến cầm tay, giá rẻ. Các thiết bị này rất tiện dụng trong đo đạc được ở nhiều địa điểm nhưng nhược điểm là độ chính xác không cao. Theo đó, các máy đo cảm biến cho ra kết quả có độ chênh lệch lớn, dễ bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài. Và phạm vi quan trắc của các máy đo cảm biến cũng đang có nhiều nghi vấn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí
“Có một số ý kiến cho rằng các máy đo cảm biến này có phạm vi 1 km, nhưng tôi cầm máy đo này đứng đầu đường và cuối đường cách nhau 10m có khi kết quả đã thay đổi”, ông Sơn cho hay.

Ngoài ra, các máy đo này vòng đời trung bình thấp chỉ trên dưới 1 năm, trong quá trình sử dụng phải liên tục hiệu chỉnh, điều chỉnh để đảm bảo các chỉ số quan trắc đưa ra chính xác, khách quan.

“Tôi luôn thắc mắc các máy đo này có được hiệu chỉnh, bảo dưỡng thường xuyên không bởi các máy đo này nếu không được đảm bảo các điều kiện nhất định sẽ cho các sai số lớn”, ông nói.

Theo vị chuyên gia, đề nghị người dân khi sử dụng các ứng dụng quan trắc này nên là những “người tiêu dùng thông thái”, bởi có những nguồn thông tin chỉ nên dùng để tham khảo do độ tin cậy không cao, không được các cơ quan chuyên môn quản lý về chất lượng.

Đâu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội?

Trong Báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12-29/9, có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9, sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9. Trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9, có đến trên 75% giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt trong các ngày từ 25-29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại quy chuẩn Việt Nam.

“Kết quả tính toán AQI tại các trạm trong các ngày từ 12-29/9 cho thấy, chỉ 5/18 ngày có AQI ở mức trung bình, các ngày còn lại chỉ số AQI luôn ở mức “kém”. AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23-29/9. Nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức “xấu,” đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức “xấu”, Bộ cho hay.

Theo nhận định sơ bộ, nguyên nhân khiến bụi mịn PM2.5 tăng cao vì đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm nhất thế giới?

Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất. Liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9), toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.

Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội trước đó cho biết, nguyên nhân chủ quan là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi; mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định. Nguyên nhân khách quan do đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.

WHO: Chất lượng không khí ở Việt Nam kém đi rất nhiều

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park đồng tình với các nghiên cứu cho rằng chất lượng không khí tại Việt Nam cuối tháng 9 xấu đi đáng kể.

Theo TS Kidong Park trao đổi với tờ VnExpess, WHO không xếp hạng các thành phố về chất lượng không khí. Tổ chức này này chỉ đưa ra hướng dẫn về chất lượng không khí cũng như thu thập thông tin về chất lượng không khí từ các nước thành viên và các nguồn khác.

Các nguồn mà WHO lấy dữ liệu bao gồm: Clean Air Asia for Asia (hệ thống do Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ USAID lập năm 2001); cơ sở dữ liệu của Air Quality e-Reporting thuộc Cơ quan Môi trường châu Âu (European Environment Agency for Europe). WHO cũng sử dụng các phương pháp đo của dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (Global Burden of Disease) và công khai trên Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí toàn cầu (WHO Global Ambient Air Quality Database).

Theo đó, hiện cơ sở dữ liệu của WHO ghi nhận thông tin và kiểm soát hơn 4.300 thành phố, khu vực ở 108 quốc gia. Thông tin mới nhất của cơ sở dữ liệu này là độ tập trung bụi mịn PM2.5 và bụi PM10 ở mức trung bình năm.

“Chỉ số PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội và TP HCM năm 2016 lần lượt là 48 μg/m3 và 42 μg/m3. Theo chuẩn của WHO, PM2.5 nên ở mức 10 μg/m3”, TS. Park cho biết.

Ngoài ra, tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2016 có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Về những chính sách mà Chính phủ Việt Nam nên áp dụng, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam cho rằng:

“Với chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên tồi tệ hơn theo năm, hiện là lúc Việt Nam cần thực hiện tích cực kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí vào 2020, tầm nhìn 2015 (Quyết định số 9851 của Thủ tướng) và có những hành động cứng rắn hơn. Chính quyền ở tầm quốc gia và địa phương cần xem xét những hành động sau đây để đảm bảo không khí sạch và cải thiện sức khoẻ cho người dân”.

Điều thứ nhất, theo TS Park, Việt Nam cần củng cố hệ thống theo dõi chất lượng không khí và chia sẻ dữ liệu với công chúng theo thời gian thực. Trong khi thông tin về chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM có sẵn trên website, không phải tất cả mọi người biết về kênh này và có người thậm chí không được tiếp cận.

Dày đặc sương mù độc hại: Cảnh báo ô nhiễm không khí

Thêm vào đó, số lượng các trạm đo chất lượng không khí chính thức rất hạn chế. Nên lắp đặt nhiều trạm đo hơn và đưa chúng đi vào hoạt động. Không nhất thiết phải sử dụng các thiết bị đắt đỏ.

Theo đại diện WHO, hiện tại nhiều người Việt Nam đang dùng các ứng dụng cho điện thoại thông minh để theo dõi chất lượng không khí.

“Chính phủ có thể cân nhắc có một dữ liệu chất lượng không khí chính thức dùng cho điện thoại thông minh”, TS. Kidong Park cho hay.

Điều tiếp theo mà chính phủ Việt Nam cần làm để bảo vệ sức khỏe người dân chính là phải đảm bảo các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm trong thời gian mà mức ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn của WHO. Điều mà vị chuyên gia hướng tới chính là những thay đổi, điều chỉnh cân nhắc đến yếu tố bảo vệ môi trường trong các công nghiệp, các dự án sản xuất điện, giao thông, các cơ sở xử lý rác thải và đốt cháy trong nông nghiệp. Việc quét đường dùng công nghệ phun nước để giảm bụi như của URENCO (Công ty Môi trường đô thị Hà Nội) cũng là một giải pháp đáng chú ý.

Điều thứ ba, theo ông Kidong Park: “Việt Nam cần nhận dạng các nguồn ô nhiễm không khí một cách thấu đáo, có một kế hoạch dài hạn bảo đảm không khí sạch và đảm bảo cách thực hiện. Hầu hết ô nhiễm ngoài trời đều vượt ngoài tầm kiểm soát của cá nhân, cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách địa phương, quốc gia và quốc tế”.

Theo đại diện WHO, ngay giữa thời điểm ô nhiễm không khí, chính quyền, lãnh đạo các lĩnh vực vận tải, năng lượng, quản lý rác thải, quy hoạch đô thị và nông nghiệp nên hợp tác với nhau để giúp không khí sạch trở lại.

Thảo luận