Gần đây, tàu ngầm diesel-điện Kolpino (Dự án 636.3 lớp Varshavyanka - tàu ngầm Kilo được trang bị cho Hải quân Việt Nam) của Hạm đội Biển Đen trong quá trình tập trận ở Biển Đen đã tránh được cuộc tấn công của các tàu mặt nước của đối phương giả định. Sau đây là bài của Sputnik về những “trò chơi nguy hiểm dưới đáy biển” và những cách hiệu quả nhất tránh cuộc tấn công bằng ngư lôi.
Lặn xuống đáy biển
Các chỉ huy tàu ngầm không thích nổi lên mặt nước để liên lạc với bờ - thao tác này ngay lập tức tiết lộ vị trí tàu ngầm. Đối phương có thể phát hiện chiếc tàu ngầm ngay cả khi nó hiện diện ở độ sâu của kính tiềm vọng với các thiết bị thu vào: máy bay chống ngầm và máy bay trực thăng của đối phương có khả năng phát hiện nguồn gốc tín hiệu sóng vô tuyến.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Igor Kurdin, cựu chỉ huy tàu ngầm nguyên tử nói:
“Không nên nghĩ rằng, chiếc tàu ngầm ngay lập tức chạy hết tốc lực. Trong trường hợp này chiếc tàu sẽ ngay lập tức bị phát hiện và sẽ bị thua trong cuộc đối đầu. Hơn nữa, tốc độ của tàu ngầm điện diesel không quá cao, nó không thể nhanh chóng tránh sự truy lùng của đối phương. Các thủy thủ tàu ngầm sử dụng những phương pháp chiến thuật khác, bao gồm cả các biện pháp đối phó bằng sonar".
Chiếc tàu ngầm diesel có thể nằm trên đáy biển trong vài ngày. Tàu ngầm hạt nhân không thể làm như vậy bởi vì các hệ thống phụ của lò phản ứng không thể bị tắt.
"Ivan điên dại"
Theo ông Igor Kurdin, các phương pháp tránh truy đuổi của Nga và NATO không có những khác biệt cơ bản.
Một động thái "đánh lạc hướng" được phát minh ra trong những năm Chiến tranh Lạnh, người Mỹ gọi là Ivan điên dại (Crazy Ivan). Vào thời điểm đó, các tàu ngầm Mỹ thường "bám đuôi” tàu ngầm Liên Xô để đi vào “vùng mù” (với sonar) sau đuôi tàu. Và các tàu ngầm xô viết đã sử dụng động tác không thể đoán trước như quay đảo hướng đôi khi lên tới 180 độ, đổi độ sâu để phát hiện kẻ địch. Động tác cơ động đột ngột đó người Mỹ gọi là động tác cơ động "Ivan điên dại" ("Crazy Ivan"). Để tránh đụng độ, tàu ngầm Mỹ buộc phải giữ khoảng cách.
Máy bay tuần tra săn ngầm
Nếu nói về hoạt động phát hiện và truy lùng tàu ngầm, thì các phương pháp của Nga và NATO rất giống nhau. Cả Nga và NATO đều sử dụng rộng rãi lực lượng không quân hải quân - máy bay và trực thăng.
Trong khu vực tuần tra, máy bay hoặc trực thăng phóng đến độ sâu chỉ định nhiều thiết bị cảm biến để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm như: định vị thủy âm treo (sonar), phao âm thanh sonar và ngư lôi hạng nhẹ. Ngay sau khi có tín hiệu từ phao, phi hành đoàn liên lạc với các tàu chống ngầm. Vị trí của tàu ngầm được xác định bởi hoạt động của các phao khác. (Ban ngày trên mặt biển yên tĩnh, hình bóng của chiếc tàu ngầm ở độ sâu cạn cũng có thể được xác định bằng mắt thường). Sau khi nhận được thông tin về tọa độ của tàu ngầm đối phương, các tàu chống ngầm bắt đầu truy đuổi nó, phóng ngư lôi và bom chống tàu ngầm.
Tuy nhiên, trong thời chiến mọi thứ đều có thật. Hơn nữa, không nhất thiết phải bắn trúng chiếc tàu ngầm bằng quả bom chống tàu – quả bom có thể phát nổ gần đó, và sóng nổ vẫn sẽ thực hiện công việc của mình.