Vì sao EU tăng mối quan tâm tới châu Á và Biển Đông?

Hiệp định FPA là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm gia tăng của EU đối với châu Á, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Sputnik

Ngày 17/10, tại Brussels(Bỉ), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU bao gồm: Thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU; đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Việc ký kết trên được đánh giá là một bước đi tiếp theo nhằm làm sâu rộng thêm các quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu sau khi hai bên đã ký kết và triển khai Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đi châu Âu làm gì?

“Quản lý khủng hoảng” ở đây là gì?

Tên gọi của Hiệp định ký tại Brussels là “Thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU”. Vậy “quản lý khủng hoảng” ở đây có thể hiểu như thế nào?

Tên gọi của Hiệp định là “Thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU” có nhiều ý nghĩa. Trước tiên là “quản lý khủng hoảng”. Theo nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm, thì ý nghĩa của việc quản lý khủng hoảng “bao gồm những nhận thức và hàng động để giải quyết các mâu thuẫn có thể xảy ra, bao gồm từ mức độ nhỏ nhất là các sự cố va chạm đến mức độ lớn hơn là xung đột, thậm chí là xung đột vũ trang. Nếu chỉ nhận thức việc “quản lý khủng hoảng” ở mức độ cao, tức là mức độ xung đột vũ trang hay chiến tranh thì mới chỉ phản ánh được một phần nhận thức đó”.

Và với ý nghĩa đó, thì đây không phải là một hiệp ước liên minh quân sự như nhiều người đã lầm tưởng.

“Hiệp định này có phạm vi bao trùm lên toàn bộ các sự cố được coi là “khủng hoảng”, chứ không chỉ riêng đối với vấn đề “quân sự” hay “chiến tranh”. Do đó, đây là một hiệp ước có tính dân sự chứ không phải là một hiệp ước quân sự”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Với việc ký kết Hiệp định nói trên Việt Nam vẫn bảo đảm cho mình một vị thế độc lập với chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” gồm: Không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và không cho bất kỳ nước nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại đến đọc lập, chủ quyền của nước thứ ba.

Ngày lịch sử trong quan hệ Việt Nam và EU: Tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược

Việt Nam và EU hợp tác quốc phòng và an ninh để bảo đảm cho các hiệp ước thương mại tự do và bảo hộ đầu tư

Chúng ta biết rõ rằng, cách đây không lâu Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký kết và triển khai Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư. Theo ý kiến một số nhà phân tích chính trị thì chính vì nhận thức được sự uy hiếp của các thế lực chống lại các hiệp ước trên mà Việt Nam và EU đã cho rằng, cần phải có những biện pháp hợp tác khác về quốc phòng và an ninh để bảo đảm cho việc thực hiện những hiệp ước đã ký trong hòa bình, ổn định, để có thể ngăn chặn các âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngăn cản sự hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và EU.

Việc Việt Nam ký kết FPA với EU là một giải pháp nhằm thực hiện chủ trương chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xảy ra chiến tranh mới tiến hành các biện pháp đấu tranh vũ trang để phòng thủ đất nước. Bởi khi đã xảy ra chiến tranh thì thiệt hại to lớn là không thể tránh khỏi.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có chiến lược và kịch bản rõ ràng với thái độ ngày càng hung bạo của Trung Quốc trên biển Đông, có những lúng túng trong ứng xử... Ví dụ, khi Trung Quốc cho tàu thăm dò dầu khí vào bãi Tư Chính mà Chủ tịch Quốc hội vẫn thản nhiên thăm Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo vẫn tổ chức hội nghị tuyên giáo với Trung Quốc…

“Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai chiến lược đa phương, không liên kết quân sự trong khi lo ngại với Trung Quốc ngày càng tăng… Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác mối quan hệ với Mỹ (cựu thù), thăm dò Ấn, duy trì hợp tác quân sự với Nga, và tất nhiên, cả EU, đồng minh ruột của Mỹ. Điều ấy không hề dễ dàng thực hiện và Việt Nam nhận thức rõ tự nhiên không ai bảo vệ Việt Nam cả mà không có chút lợi ích. Do vậy, nhiệm kỳ trước, các Hiệp định thương mại tự do ký mỏi cả tay nhằm lấy lợi ích kinh tế thu hút quyền lợi chính trị và bảo vệ chủ quyền”, - Một chuyên gia tài chính và là cựu CEO ngân hàng bình luận với Sputnik.

Vì sao EU tăng mối quan tâm tới châu Á và Biển Đông?

Thỏa thuận FPA là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm gia tăng của EU đối với châu Á, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Vì sao EU lại quân tâm tới Biển Đông và châu Á trong thời điểm hiện tại?

Hôm nay Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại

Các nước EU đã nhận thức rõ được lợi ích của họ trong việc mở rộng hợp tác với các quốc gia Châu Á khác. Thay vì chỉ quan tâm đến Trung Quốc và Nhật Bản như trước đây, các nước EU bắt đầu nhận thấy sự “trỗi dậy” của Ấn Độ, sự quan tâm đặc biệt của Liên bang Nga tới vùng Viễn Đông Sibiria và sự tiến bộ của khối ASEAN mà đặc biệt là Việt Nam, với sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong điều kiện kinh tế toàn cầu “xuống dốc” trong mấy năm qua. Chính những dự báo hứa hẹn những lợi nhuận lớn nếu như tăng cường đầu tư vào ASEAN đã làm cho các nước EU quan tâm đến khối này. Và một điều đương nhiên là trong sự quan tâm ấy có Biển Đông.

“Đối với EU (và cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc) thì Biển Đông không chỉ có ý nghĩa về tự do và an toàn hàng hải và hàng không, mà còn có cả lợi ích về khai thác tài nguyên. Đây cũng là điều mà EU nhận thức được rằng nếu họ “chậm chân”, kẻ khác sẽ chiếm chỗ và hưởng lợi. Đó là nguyên nhân sâu xa của việc EU ngày càng quan tâm hơn đến ASEAN và đặc biệt là Biển Đông”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm của mình với Sputnik.

Tất cả đều hiểu rằng, EVFTA mở cửa thị trường Việt Nam cho EU và ngược lại. Hợp tác quốc phòng với việc ký kết Hiệp định FPA sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận các chương trình hỗ trợ quân sự, thông tin tình báo, kìm bớt tham vọng của Trung Quốc. Điều đó có lợi cho cả EU và Việt Nam.

Việt Nam thẳng thắn bàn chuyện Biển Đông với đại diện cấp cao Liên minh châu Âu
“Theo tôi, EU đang có vấn đề của mình: Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng chậm và suy thoái kinh tế kéo dài đòi hỏi thị trường mới, đối tác mới. Việt Nam với dân số gần 100 triệu, tăng trưởng cao, các số liệu vĩ mô ổn định là một thị trường rất tiềm năng. Việt Nam sẽ như cánh cửa mở ra khu vực với EU. Thứ hai, Mỹ với ông Trump khó đoán định nhưng là một đối tác lâu đời và không thể thay thế. Mỹ - Trung đang căng thẳng buộc EU phải có tiếng nói góp phần. ASEAN tuy không là một khối đồng nhất nhưng cũng là một thế lực. Trung - Nga kết hợp chính là sự đe doạ với EU. Do vậy, EU cần vị thế đối chọi trong khu vực. Vì thế, EU đã ký kết EVFTA và bây giờ là hợp tác quốc phòng”, -  Một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam phát biểu với Sputnik.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá sự quan tâm của EU đối với vấn đề Biển Đông rất có lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, cùng chia sẻ lợi ích một cách công bằng, bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng Biển Đông, đồng thời có tác dụng ngăn chặn những âm mưu gây hấn, cố tình tạo ra tranh chấp để chèn ép đối thủ trong việc khai thác lợi ích ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các chương trình hợp tác quân sự giữa EU và Việt Nam mang tính trên giấy nhiều hơn là thực tế. Sự ủng hộ tự do hàng hải của EU cũng chỉ mang tính tinh thần.

“Các lợi ích cụ thể sẽ chưa nhiều. EU cũng rất cần quan hệ với Trung Quốc. Trước hết bởi niềm tin chưa cao, thứ nữa là lợi ích chưa rõ nhất là khi so với Trung Quốc”, - Một chuyên gia nhận định.
Thảo luận