Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea đại diện cho EU ký kết EVFTA tại Hà Nội. Hiện Romania là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện Chính phủ ký EVFTA. Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện ký IPA.
Tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược
Ngay sau lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, trong đó ông nhắc lại cuộc gặp bên lề Hội nghị các nhà Lãnh đạo quốc gia G20 ở Nhật Bản, ngày 29/6/2019.
"Tôi đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ngài Chủ tịch đã nhấn mạnh, ngày 30/6/2019 là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam – EU".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi lời cảm ơn các đối tác EU và đánh giá các bộ, ban ngành, các cơ quan của chính phủ đã phối hợp với các đối tác EU trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết. Đây là là mốc son từ quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục nhiều năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Hiệp định về thương mại EVFTA và đầu tư EVIPA là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích. Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.
"Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai Bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU- là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau - cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển", Thủ tướng nói.
Thủ tướng tin tưởng Nghị viện Châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, 2 Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai Bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai Bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.
Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lón khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á- Âu và toàn cầu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cảm ơn các nước thành viên EU đã ủng hộ để Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với EU trong các vấn đề quốc tế và tại LHQ.
Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.
Việt Nam - EU bước vào giai đoạn mới
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết hiệp định làm tăng cường quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế tương mại, cùng mang lại lơi ích cho cả 2 bên.
15 năm trước, Việt Nam mới chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 26 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một đối tác thương mại nhỏ, cần sự hỗ trợ của EU.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm việc phải làm sắp tới là phê chuẩn cả hai hiệp định FTA và IPA và để chuẩn bị các bước triển khai hiệu quả cho cả người dân và doanh nghiệp hai bên.
"Chặng đường tới đòi hỏi nỗ lực của Liên minh châu Âu, hy vọng các cơ quan liên quan của EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để hai hiệp định EVFTA và IPA có hiệu lực", Bộ trưởng Công Thương nói.
Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström trích tục ngữ Việt Nam "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", bà Malmström cảm ơn mọi đối tác Việt Nam đã tham gia đàm phán từ những ngày đầu để giúp EVFTA đi đến hoàn thiện.
"Mọi người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp hai bên đều sẽ hưởng lợi", bà Cecilia Malmström khẳng định.