Có một thực tế ASEAN là Hiệp hội này thể hiện rõ mối quan tâm ngày càng gia tăng đến giao lưu thương mại với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Hiệp hội các nước Đông Nam Á đang tích cực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và các quy tắc thân thiện với doanh nghiệp đối tác. Đó là ý kiến của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ diễn đàn Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 ở Bangkok (Thái Lan).
Đương nhiên, nền tảng cho mối quan tâm đó là trạng thái giao lưu hai chiều cùng có lợi. Từ phía mình, Nga và EAEU cũng “đang cố gắng tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp ASEAN trên địa bàn lãnh thổ các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, với các quy tắc minh bạch dễ hiểu dành cho doanh nghiệp, khai thác và khuyến khích sự quan tâm của các nước trong Hiệp hội đẩy mạnh giao thương với EAEU”, - ông Medvedev nhận định tại Hội nghị chuyên đề Đầu tư-Kinh doanh trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35.
Ngay sau khi Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU chính thức có hiệu lực (05 tháng 10 năm 2016), các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh nhận được điều kiện khai thác những ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai bên dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU.
Từ vị thế là nước đi đầu trong ASEAN trên bình diện ký kết hiệp định Thương mại tự do với các đối tác (hiện Việt Nam có 16 FTA như vậy với các nước), từ ban đầu là FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm để chia xẻ cho những dự án hợp tác thương mại-kinh tế quốc tế mới, chẳng hạn như trong quá trình đàm phán của ASEAN về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngay trước giờ tiến hành nghi lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan cho Việt Nam, trả lời phỏng vấn độc quyền của Sputnik, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã cho nhận xét về giá trị thực tế và lý luận của FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như triển vọng phát triển giao lưu kinh tế-thương mại của Việt Nam và ASEAN với EAEU và Nga.
Xin nói thêm rằng Sputnik là hãng thông tấn nước ngoài duy nhất được Bộ trưởng Việt Nam dành thời gian trả lời phỏng vấn trong lịch trình bận rộn ở Hội nghị Cấp cao ASEAN 35.
FTA của Việt Nam với EAEU – thành quả truyền thống cùng phát triển của hai nước Việt-Nga, mở ra cơ hội mới và tiền đề cho những dự án mới
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mở đầu bằng nhận định khái quát như sau:
“Trước hết, đối với Việt Nam, Nga là đối tác truyền thống tin cậy ở tầm chiến lược. Trên thực tế chặng đường dài lịch sử quan hệ, hai nước hai dân tộc chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn phát triển liên tục của nhau song hành với đà củng cố giao lưu song phương ngày càng mở rộng, được sâu sắc hoá trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong những ngành phù hợp với ưu tiên và nhu cầu năng lực của hai nước. Tôi có thể lấy ví dụ như trong ngành năng lượng, dầu khí và điện lực, cơ khí và công nghiệp ô tô…Thậm chí cả trong những lĩnh vực khác liên quan đến việc chuyển giao công nghệ của Nga cho Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, dành quan tâm và ưu tiên lớn cho quan hệ với LB Nga, Việt Nam từ rất sớm đã chủ trương và phối hợp với Nga và các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu để thúc đẩy đàm phán nhanh chóng đi đến ký kết thành công Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Trên thực tế, ngay từ khi Hiệp định được đưa vào thực hiện, xu thế tăng trưởng trong hợp tác thương mại của Việt Nam với Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã liên tục được khẳng định và duy trì ở mức độ cao, tạo điều kiện có những cơ hội mới cho Việt Nam và Nga cùng các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu thu nhận những thuận lợi mới trong thương mại và đầu tư với hàng loạt dự án lớn”.
Như Bộ trưởng đánh giá, thời gian đã chứng tỏ rằng FTA đóng góp tích cực cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước trong EAEU. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã tăng từ 25% trở lên. Về phía Việt Nam, các mặt hàng tận dụng ưu đãi của Hiệp định chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện. Về phía Liên minh Kinh tế Á-Âu, các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là cá hồi nước ngọt, ngô, phân bón các loại, dầu thực vật, sắt thép, xe tải và một số phương tiện vận tải dùng động cơ diesel…. Ngoài ra, có dữ liệu cho thấy kết cấu dòng hàng của Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định đang có xu hướng tăng và phong phú hơn.
Vai trò của Nga từ góc nhìn ASEAN – cơ sở cho niềm tin và những thành công mới
Theo nhận xét của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, “Nga không chỉ là đối tác tin cậy của Việt Nam mà còn có vị trí quan trọng đối với các nước ASEAN và khu vực”. Thành quả phát triển thực tiễn của nước Nga trong chính sách chuyển hướng về phía Đông thời gian qua cho thấy rằng trong thương mại-đầu tư và cả trong hàng loạt lĩnh vực khác đã có đầy đủ cơ sở điều kiện để các đối tác “tính tới những khung khổ rộng lớn hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa” trong hợp tác giữa Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam cũng như với các nước trong ASEAN”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông báo:
“Chính từ đánh giá như vậy, chúng tôi biết rằng trong thời gian qua Nga đã có những bước đi mới cùng với các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu tiến tới khởi động những cuộc đàm phán mới với một số nước trong ASEAN. Chúng tôi rất ủng hộ và chia xẻ những ý kiến và bước đi đó. Đồng thời, trên cương vị một thành viên ASEAN, Việt Nam sẵn sàng làm cây cầu nối đáng tin cậy và hiệu quả hỗ trợ Nga trong các hoạt động hợp tác với các nước ASEAN, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nga nói riêng cũng như ASEAN-EAEU, xúc tiến những bước đi cụ thể sau này đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, vốn luôn luôn là nền tảng mới rất hệ trọng để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị của Nga với Việt Nam và các nước trong khu vực”.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam kết luận:
“Qua thực tế vượt lên ngoạn mục của nước Nga, tôi tin tưởng và hy vọng rằng Nga sẽ tiếp tục phát huy vai trò độc đáo của mình, đem những đóng góp mới giá trị không chỉ vào đà tăng trưởng bền vững và sự phồn vinh của các nước ASEAN, mà còn đóng góp thiết thực vào sự ổn định và nền hoà bình trong khu vực Đông Nam Á của chúng tôi cũng như toàn châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung”.