Đạp phanh khi đã tới đích
Hiện giờ, tổng GDP của các bên tiềm năng trong thỏa thuận này là khoảng 39% tổng khối lượng toàn cầu. Vụ việc bị đình trệ do lập trường của Ấn Độ. Trong khi 15 quốc gia hoàn tất đàm phán về tất cả 20 điều khoản của thỏa thuận, Ấn Độ đã có lập trường cứng rắn về vấn đề loại bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại trong lãnh thổ của khối tương lai, vì lo ngại dòng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường. Các chuyên gia Nga coi sự phát triển sự kiện như vậy là hoàn toàn có thể lường trước.
“RCEP là dự án của Trung Quốc, sẽ mang đến cho họ những cơ hội tuyệt vời để quảng bá sản phẩm của mình, - ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: - Chính Ấn Độ cũng muốn chinh phục thế giới bằng hàng hóa rẻ và lao động giá rẻ của mình. Không phải vô cớ mà Ấn Độ hiện đứng thứ ba trên thế giới về GDP tính theo sức mua tương đương. Ngoài ra, Delhi và Bắc Kinh có những bất đồng địa chính trị rất nghiêm trọng trong xung đột biên giới, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong đề xuất liên minh chính trị mới “Bộ tứ” của Hoa Kỳ - bao gồm cả Nhật Bản và Úc. Tất cả điều này ngăn Ấn Độ tham gia RCEP. Rõ ràng, sẽ còn những cuộc đàm phán kéo dài và nghiêm túc ở phía trước, một số ngoại lệ sẽ được dành cho cho Ấn Độ, hoặc nước này sẽ rời khỏi dự án”.
Nhưng liên kết kinh tế này có nhừng triển vọng rất tốt, giáo sư Mosyakov nói. Liên kết này từng được khởi đầu vào năm 2013 như là phương án thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các quốc gia rất quan tâm đến TPP như một phương tiện thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Hoa Kỳ. Nhưng Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, nên sức hấp dẫn của của liên kết đã giảm đi đáng kể. Hành động của chính quyền Trump đã đóng cửa thị trường này. Do đó, các cuộc đàm phán về việc thành lập liên minh kinh tế khổng lồ châu Á đã được tăng cường và đạt được thành công như vậy.
Dấu hiệu tan rã của khu vực
Một hiện tượng đáng chú ý khác của hội nghị thượng đỉnh vừa mới kết thúc là những người đứng đầu các nước thành viên ASEAN tẩy chay hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ. Lý do của điều này là cấp độ đại diện của Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Trump đã không đến dự, như người tiền nhiệm đã làm, và thậm chí không cử phó tổng thống hoặc bộ trưởng ngoại giao đi thay. Tại Bangkok, đại diện của Hoa Kỳ là Trợ lý Tổng thống về An ninh Quốc gia Robert O'Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Đáp lại, các nước ASEAN đã cử các bộ trưởng ngoại giao tới dự họp, chỉ có Chủ tịch ASEAN hiện tại là Thái Lan, Chủ tịch ASEAN năm tới là Việt Nam và Lào tham gia ở cấp độ thủ tướng chính phủ.
Ông Viktor Sumsky, người đứng đầu Trung tâm ASEAN của Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva thuộc Bộ ngoai giao Nga bình luận:
“Điều này cho thấy, đối với Hoa Kỳ, tầm quan trọng của ASEAN và toàn bộ khu vực đã suy giảm. Đối với ASEAN, điều chính yếu là duy trì tính đồng nhất của khu vực, để Hiệp hội là người khởi xướng tất cả các dự án phát triển chính trị và kinh tế. Về vấn đề này, tôi muốn lưu ý số phận của nền tảng đối thoại lớn nhất khu vực là APEC. Như đã biết, năm nay hội nghị thượng đỉnh APEC đã không được tổ chức, và năm ngoái thì dính dáng với những vụ bê bối lớn. Nhưng ASEAN đóng vai trò lớn trong APEC, là cốt lõi của nó. Nhưng bây giờ, thông qua những nỗ lực của Hoa Kỳ, người ta không nói về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mà về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay đổi sự ưu tiên và gia tăng mức độ căng thẳng. Khác với Washington, muốn các quốc gia chống đối nhau, ASEAN tìm cách kết bạn với tất cả. Và tôi muốn chỉ ra sự liên quan giữa vấn đề APEC mất dần vai trò với các dấu hiệu tan rã của khu vực.”