Việt Nam nói về 39 người chết ở Anh, khả năng kiện Trung Quốc và thiếu tự do internet

Ngày 7.11, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã lên tiếng về những vấn đề nóng đang thu hút dư luận trong nước và quốc tế như vụ 39 người chết trong container ở Anh, khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng như vấn đề Việt Nam nằm trong số các quốc gia thiếu tự do internet theo báo cáo của Freedom House.
Sputnik

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin thêm vụ 39 người chết ở Anh

Liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Anh, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết:

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tới làm việc tại Vương quốc Anh nhằm trao đổi trực tiếp tới cơ quan chức năng nước sở tại. Trong thời gian tại Anh, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan, quan chức Chính phủ Anh gồm: Bộ Ngoại giao Anh, Bộ Nội vụ, Thẩm phán phụ trách vụ việc và cảnh sát hạt Essex thuộc vùng đông bắc thủ đô London”, ông Ngô Toàn Thắng thông tin.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng hiện hai nước vẫn đang tích cực phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh quá trình điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân và lo các vấn đề hậu sự.

Chậm nhất ngày mai sẽ có danh sách 39 người chết trong xe container ở Anh?

Sự việc chấn động liên quan đến 39 thi thể được phát hiện trong thùng xe đông lạnh ở hạt Essex, Anh là tâm điểm phiên họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao. Nhiều đại diện các phương tiện truyền thông, báo chí trong và ngoài nước đã đặt câu hỏi đề nghị Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin về vụ việc này.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ thông tin ngắn gọn: “Hai bên vẫn đang tích cực phối hợp để giải quyết vụ việc, khi nào có thông tin sẽ cung cấp cho báo chí”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên của hãng thông tấn AFP đối với đại diện Bộ Ngoại giao rằng trong vụ việc 39 người chết ở Anh, Việt Nam đã cập nhật danh tính các nạn nhân đến thời điểm này như thế nào và đã bắt giam bao nhiêu đối tượng liên quan đến vụ việc này?

“Về vụ việc đau lòng này, dư luận xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm. Hiện nay cơ quan hai nước đang trao đổi, phối hợp rất chặt chẽ và sẽ sớm có thông tin cho báo chí. Còn theo tôi được biết, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án đưa người di cư trái phép và bắt giam 9 người”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Việt Nam có kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?

Biển Đông: Nếu kiện, Việt Nam sẽ thắng Trung Quốc
Tại phiên họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cũng trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc liên quan đến những căng thẳng và tình hình gần đây trên Biển Đông.

Ông Ngô Toàn Thắng khẳng định, như đã từng nhiều lần khẳng định trước đó, chủ trương nhất quán của Việt Nam vẫn luôn là sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực thiết thực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”, theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Thời gian qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời có những động thái gây bất ổn cho tình hình an ninh khu vực. Bắc Kinh đã nhiều lần bị cộng đồng quốc tế lên án và chỉ trích vì lối hành xử “bắt nạt” và “đe dọa” các nước láng giềng trên Biển Đông cũng như hành động quân sự hóa, bồi đắp các thực thể nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, nhiều chuyên gia quốc tế và Việt Nam rất quan tâm đến khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những vi phạm chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam những tháng qua. Hầu hết chuyên gia đều tin tưởng công lý và lẽ phải thuộc về Việt Nam. Phần thắng chắc chắn nằm trong tay Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Kraska, làm việc tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (ĐH Hải chiến Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ thắng.

“Và sau khi thắng, Việt Nam có thể làm điều Philippines không làm: thật sự hưởng lợi từ phán quyết. Một khi giành được công lý, quá trình tranh đấu chỉ mới là khởi đầu. Các bạn có thể sử dụng ngoại giao để gây sức ép lớn nhằm ép họ tuân thủ. Trong lịch sử, điều này có tác dụng nhiều lần”, ông Kraska nhấn mạnh.

Phát biểu về vấn đề này, TS. Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, rõ ràng Trung Quốc có sai phạm, nhưng đồng thời Việt Nam cũng cần lưu ý về nội dung kiện tụng cụ thể. Việt Nam sẽ chắc chắn thắng kiện nếu khởi kiện vụ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa thời gian qua.

Việt Nam bác bỏ thông tin hạn chế tự do internet

Liên quan đến báo cáo của Freedom House công bố ngày 5/11 vừa qua, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao bác bỏ thông tin Việt Nam nằm trong số các quốc gia thiếu tự do internet.

“Tôi hoàn toàn bác bỏ đánh giá về Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11 của Freedom House về tự do internet. Việc đảm bảo tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế”, ông Ngô Toàn Thắng tuyên bố.

Liệu Internet tại Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng?
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ xu hướng phát triển và sự tiến bộ vượt bậc về việc triển khai và sử dụng internet tại Việt Nam cũng như những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

“Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang là một trong những nước có tăng trưởng về sử dụng internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Công nghệ thông tin, trong đó có các mạng xã hội được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, kinh tế và văn hóa xã hội ở Việt Nam”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
“Theo thống kê, đến đầu 2019, Việt Nam có hơn 60 triệu người sử dụng internet, chiếm 60% dân số và đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Trong đó, có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội và nằm trong nhóm nước có lượng người dùng mạng xã hội lớn trên thế giới”, ông ngô Toàn Thắng bổ sung thêm.
Việt Nam xác minh thông tin ngư dân bị bắn chết trên biển Kiên Giang

Về việc một ngư dân ở Kiên Giang bị bắn chết trên biển, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết hiện cơ quan chức năng đang xác minh thông tin vụ việc.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng phát biểu trước báo giới:

“Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin”.

Trước đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang hôm 2.11 thông báo một ngư dân của tỉnh này đã bị bắn chết khi đang đánh bắt trên vùng biển giáp biên của Việt Nam.

Ngư dân chết vì bị rắn biển cắn, trường hợp tử vong đầu tiên sau 80 năm

Theo các nguồn tin, tàu cá Kiên Giang đánh bắt ở vùng biển toạ độ 7 độ 15 phút Nam – 108 độ 56 phút. Thông tin về ngư dân bị bắn chết tên Nguyễn Ngọc Khởi, sinh năm 1997, thường trú tại ấp Tân Đời, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Các thuyền viên  kể lại rằng, khoảng 11h30 ngày 30.10 tàu cá mang biển hiệu KG 90785TC do ông Lê Ngọc Hiền sinh năm 1976, thường trú tại ấp Hoà Thuận, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng đang đánh bắt ở vùng biển toạ độ 7 độ 15 phút Nam – 108 độ 56 phút Bắc thì bị một phương tiện lạ tấn công bằng súng. Lúc này trên tàu có tất cả 14 lao động. Khi tháo chạy, anh Khởi đã trúng đạn và chết tại chỗ.

Sau khi sự việc xảy ra, thuyền trưởng Lê Ngọc Hiền nhanh chóng thông báo cho Đồn biên phòng Xẻo Nhàu, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và đưa nạn nhân vào đất liền.

Công an tỉnh Kiên Giang đang điều tra làm rõ vụ việc.

Thảo luận