Bộ trưởng nói, Philippines cam kết sẽ giữ Mỹ làm đồng minh quân sự duy nhất của mình, nhưng lưu ý rằng, quốc gia này lo lắng về vấn đề an ninh.
Theodoro Locsin đã giải thích rằng, Philippines và Mỹ đã ký Hiệp ước phòng thủ chung cách đây gần 70 năm, nhưng Manila vẫn còn cảm thấy "băn khoăn" về việc Washington sẽ làm được tới đâu để giữ đúng cam kết.
Bộ trưởng Teodoro Locsin cũng trích lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng Mỹ đã không ngăn Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép và triển khai vũ khí tới các đảo ở Biển Đông.
“Đại bàng vẫn cất cánh, nhưng rồng cũng đang bay nhanh”, - ông Locsin nhận xét.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, bà Daria Panarina, chuyên gia về Philippines tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý:
“Con đại bàng biểu tượng nước Mỹ, con rồng biểu tượng Trung Quốc. Câu nói của ông bộ trưởng có tính chất tượng trưng. Mỹ có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Philippines. Bộ trưởng thừa nhận vai trò quan trọng của Hoa Kỳ đối với Philippines, Washington là đối tác lâu năm của họ. Trong khi đó, cộng đồng người Hoa cũng hiện diện rất lâu ở Philippines. Đây là giới tinh hoa kiểm soát dòng tài chính khổng lồ. Cộng đồng người Hoa có ảnh hưởng không kém gì người Mỹ. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn trên toàn thế giới”.
Trên thực tế, Teodoro Locsin thừa nhận rằng, hiện nay Philippines không thực thi chính sách đối ngoại độc lập.
“Philippines cần theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập thực sự” và “tự đứng trên đôi chân của mình”, - nhà ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Tức là ông ám chỉ thẳng thắn về sự cần thiết phải xem xét lại quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Chính Mỹ trong một thời gian dài không cho phép Philippines thực thi chính sách đối ngoại độc lập. Chuyên gia Chen Bingxian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines của Đại học Quảng Tây, Trung Quốc, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Do một số yếu tố khác nhau, Philippines phải phụ thuộc ngoại giao vào Hoa Kỳ trong một thời gian dài. Trước hết, đây là lịch sử thuộc địa của Philippines. Trước và sau khi giành độc lập, giới tinh hoa chính trị Philippines có mối liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh Lạnh, Philippines đã theo Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại vì lý do ý thức hệ. Ngày nay, Hoa Kỳ và Philippines cũng có lợi ích chung. Người Philippines là nhóm công nhân nước ngoài lớn nhất ở Hoa Kỳ. Về phần mình, Hoa Kỳ là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, là đồng minh quân sự duy nhất và là một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất của Philippines. Chắc chắn Washington ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Manila. Một yếu tố quan trọng nhất là Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ các lực lượng thân Mỹ ở Philippines. - Quyền lực mềm của Mỹ chắc chắn đóng vai trò to lớn, khiến Philippines thực thi chính sách đối ngoại thân Mỹ. Hầu hết các giới tinh hoa ở Philippines, đặc biệt là giới tinh hoa quân sự, giới tinh hoa chính trị ở vùng đô thị Manila đều có mối liên hệ hoặc lợi ích nhất định tại Hoa Kỳ. Điều này gây khó khăn cho việc tách rời khỏi Mỹ trong chính sách đối ngoại”.
Ảnh hưởng mạnh của Mỹ ở Philippines đã bị Trung Quốc làm rung chuyển trong những năm gần đây. Bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thương mại song phương đang phát triển. Trung Quốc đầu tư vào Philippines. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm nay, Teodoro Locsin đã lưu ý rằng, Trung Quốc đang đưa ra với Philippines những đề xuất hợp tác chiến lược hấp dẫn hơn so với Hoa Kỳ. Nhà ngoại giao cấp cao tin chắc rằng, Hoa Kỳ đang dự tính một chiến lược lộn xộn trên Biển Đông, điều này khiến Philippines tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Philippines có tiềm năng theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, chuyên gia Daria Panarina nhấn mạnh:
“Philippines có thể xích lại gần hơn với Hoa Kỳ hoặc với Trung Quốc, nhưng họ không thể phá vỡ quan hệ với hai cường quốc này để chọn một đồng minh hoặc một đối tác thứ ba. Philippines sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Đặc biệt là các nước trong khu vực đều muốn né tránh cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông. Manila sẽ tập trung nỗ lực để duy trì sự cân bằng trong tam giác Philippines-Trung Quốc-Hoa Kỳ. Khi phát biểu tại Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nói lên rõ lập trường của nước này, Manila không muốn tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra trong khu vực. Manila có lợi ích ở cả Mỹ và Trung Quốc”.
Tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sẽ bắt đầu chuyến thăm các nước châu Á. Chắc là trong thời gian ở thăm Philippines, ông sẽ tái khẳng định các cam kết an ninh với đồng minh Philippines. Ông cũng có thể hứa hỗ trợ quân sự để chứng minh sự hữu ích của Mỹ đối với an ninh Philippines. Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với điều này, trong khi ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng ở Philippines, kể cả trong mối liên hệ quân sự?